Không ngại nguy hiểm để làm “Kỹ năng thoát hiểm”

Mai Chi (thực hiện)-Thứ sáu, ngày 06/12/2013 13:13 GMT+7

 Được thực hiện bởi một ê-kíp năng động, sáng tạo và đem đến những thông tin thiết thực, bổ ích cho khán giả, Kỹ năng thoát hiểm (KNTH) là một trong những chương trình hot trên sóng VTV2. Đạo diễn Trịnh Quốc Đông chia sẻ về những nỗ lực giúp cộng đồng “thoát hiểm” của ê kíp thực hiện chương trình.

P.V: Thực tế thì đây là vấn đề không mới, cung cấp những kiến thức, kỹ năng để khán giả nhận biết và có cách xử lý khi gặp phải các tình huống nguy hiểm, nhưng nếu làm không khéo sẽ dễ đi vào lối mòn phổ biến kiến thức một cách khô khan. Vậy bí quyết gì khiến KNTH trở nên lôi cuốn như vậy?

Đạo diễn Trịnh Quốc Đông: Đúng là khi có ý tưởng thực hiện chương trình này, bắt tay lên format, ê kíp sản xuất đã đặt ra sức ép cho chính mình bằng các câu hỏi: Làm thế nào để truyền tải những thông tin khoa học hấp dẫn khán giả? Chương trình có điều gì khác biệt, mới lạ so với các chương trình khác? Nên dùng thủ pháp nào? Từ những câu hỏi đó những người làm chương trình đã đi tìm câu trả lời. Rất mừng là qua những số phát sóng đầu tiên và những số tiếp theo, nhóm thực hiện đã nhận được nhiều ý kiến của các đồng nghiệp, đặc biệt là của khán giả truyền hình.

Điều khán giả chia sẻ nhiều nhất là họ được xem một chương trình khoa giáo nhưng không nặng tính giáo điều, không mang tính học thuật bởi cách thể hiện của Kỹ năng thoát hiểm khá hiện đại và cuốn hút. Ngoài ra, các đề tài đặt ra bổ ích, gần gũi với cuộc sống và khán giả cảm thấy mình cần phải có những kỹ năng, kiến thức của chương trình đưa ra.

‘ Đạo diễn Trịnh Quốc Đông

P.V: Mỗi đề tài của KNTH đều có cách thể hiện riêng mới lạ với tiết tấu nhanh, kết hợp diễn viên minh họa, đồ họa... do đó chương trình cuốn hút, khiến cho khán giả dễ tiếp thu, dễ nhớ. Nhưng đằng sau đó là những nỗ lực, trăn trở của người làm nghề?

Đạo diễn Trịnh Quốc Đông: Chúng tôi hiểu rằng, nếu chỉ dễ dãi một chút thôi thì những thông tin khoa học sẽ khô cứng, không khác gì những kiến thức trong sách giáo khoa. Chính vì thế vậy, chúng tôi không né tránh mà sẳn sàng thực hiện các đề tài xương như “Xử lý khi bị rắn độc cắn”.

Muốn có hình ảnh thực tế, độc, lạ nhóm sản xuất chương trình phải quay các tình huống với rắn hổ mang chúa, một trong 10 loài vật độc nhất hành tinh. Làm xong rất lâu sau mọi người vẫn còn ám ảnh bởi rắn độc. Vất vả là vậy, nguy hiểm là vậy nhưng khi phát sóng có khán giả hỏi: Những đoạn hình rắn đó các anh lấy tư liệu nước ngoài à? Lúc đấy chúng tôi lại có thêm động lực để thực hiện chương trình tốt hơn.

‘ Quay cảnh Gặp tai nạn giao thông bạn sẽ làm gì?

Một trong những khó khăn mà chúng tôi gặp phải đó là việc thuyết phục các nhân vật, những người đã gặp tai nạn tham gia chương trình. Những người thật, việc thật rất quan trọng, khẳng định rằng những sự cố, tai nạn mà chương trình đưa ra cảnh báo luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, và tất cả mọi người phải trang bị cho mình kỹ năng thoát hiểm.

Thế nhưng với những người là nạn nhân của các sự cố như bị cướp taxi, đuối nước, bỏng, bạo hành gia đình… thường không muốn kể về nỗi đau của mình, hoặc người thân của mình trên truyền hình. Vậy đòi hỏi chúng tôi phải kiên trì thuyết phục để cho họ hiểu được ý nghĩa cảnh báo thiết thực cho cộng đồng và nhiều nhân vật đã đồng ý tham gia.

Nhiều chuyên gia, bác sĩ, chiến sĩ công an…sau khi phát những số đầu tiên đã rất thích và sẵn sàng hợp tác với chương trình mọi lúc. Ngoài những thuận lợi đó thì Lãnh đạo Ban Khoa giáo luôn ủng hộ sự sáng tạo của nhóm làm chương trình, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để họ tìm tòi những cách thể hiện mới.

‘ Làm chương trình Ứng phó với cướp giật

P.V: Bắt nguồn từ đâu chương trình có slogan là Kỹ năng nhỏ, thoát hiểm lớn, thưa anh?

Đạo diễn Trịnh Quốc Đông: Kỹ năng thoát hiểm lên sóng số đầu tiên ngày 15.12.2012 đến nay phát sóng được 23 số. Và một trong những chương trình mà ê kíp thực hiện tâm đắc nhất là Thoát khỏi đuối nước, phát sóng vào dịp tết thiếu nhi, có tình thời sự cao.

Bởi thời điểm đó, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra cướp đi cuộc sống của nhiều em nhỏ. Khi thực hiện chương trình nhóm sản xuất nói với nhau hy vọng từ những kỹ năng nhỏ mà chương trình đưa ra nhiều em sẽ thoát hiểm lớn. Và Kỹ năng nhỏ, thoát hiểm lớn đã trở thành slogan của chương trình từ thời điểm đó.

‘ Quay chương trình Làm gì khi bị cướp giật?

P.V: Vậy anh có thể bật mí về những đề tài của KNTH trong thời gian tới?

Đạo diễn Trịnh Quốc Đông: Trong năm 2014, Kỹ năng thoát hiểm sẽ hướng tới các đề tài xa hội nóng hiện nay như: Buôn bán phụ nữ, sức khỏe, thiên tai….Ê kíp cũng sẽ tìm thêm những cách thức thể hiện mới để làm sao khán giả xem một chương trình khoa giáo mà như đang xem một bộ phim hấp dẫn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước