MC Hữu Bằng: "Giải thưởng danh giá nhất là sự yêu mến của khán giả"

HOANGMAI-Thứ tư, ngày 23/06/2010 15:00 GMT+7

"Chương trình "Đối thoại trẻ" được giải C báo chí, tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện, nhưng cũng thấy lo lắng vì điều đó có nghĩa là trách nhiệm sẽ lớn hơn để làm chương trình được tốt hơn và xứng đáng với những gì mình và đồng nghiệp nhận được" - Hữu Bằng chia sẻ.

Chào anh Hữu Bằng, khán giả truyền hình biết đến anh trong vai trò MC dẫn một số chương trình, anh có thể chia sẻ đôi chút về công việc hiện nay, đằng sau những lần dẫn chương trình ấy là công việc gì?

Công việc hiện nay của tôi là một BTV dẫn chương trình, điều đó có nghĩa là mình vừa làm dẫn chương trình, vừa làm biên tập viên. Ngoài những lúc lên hình dẫn chương trình trực tiếp "Đối thoại trẻ", dẫn hiện trường chương trình “Hành trình tuổi trẻ làm theo lời Bác” tôi còn tham gia công việc của một biên tập viên thực sự, đó là làm kịch bản, tổ chức sản xuất, viết lời bình, dựng chương trình…Và cả hoạt động với vai trò là một phóng viên đó là đi tìm hiểu, đi quay ngoài hiện trường ở khắp mọi miền đất nước từ bắc vào nam từ miền biển đến biên giới, hải đảo đến miền núi… để làm phóng sự về các tấm gương thanh niên điển hình tiên tiến làm theo lời Bác trên mọi lĩnh vực…

Là một chương trình dẫn trực tiếp mang tính chính luận cao như "Đối thoại trẻ" khiến anh gặp phải khó khăn gì nhiều và những thuận lợi mang lại cho anh trong công việc, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình làm?

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là công việc nào nhiều khó khăn, nhiều rủi ro, nhiều thử thách thì cũng nhiều cơ hội, nhiều thú vị, đồng thời học được nhiều điều từ chính những khó khăn ấy, thách thức ấy.

Đúng là chương trình "Đối thoại trẻ" mang tính chính luận cao, đôi lúc tôi hay nói đùa là “già” bởi phần lớn các vấn đề đưa ra đều khá sâu như các vấn đề của giáo dục, y tế, cải cách hành chính, tham nhũng vặt… Vì vậy, mặc dù không phải là người chịu trách nhiệm làm nội dung nhưng mình là người viết lời dẫn, nghiên cứu tài liệu, trao đổi với khách mời và dẫn trực tiếp nên cũng phải cố gắng nhiều.

Khó khăn thì không ít, đó là yêu cầu cao của một chương trình chính luận mang tính đối thoại, định hướng cho các bạn trẻ về các vấn đề của xã hội liên quan trực tiếp đến giới trẻ.

Thuận lợi là khi làm chương trình chúng tôi có cả một ekip “đã quen việc” hỗ trợ phía sau và tổng đạo diễn luôn chỉ đạo trực tiếp, theo sát diễn biến chương trình để đồng hành cùng tôi.

Tất cả những điều đó giúp mình học được nhiều điều, đặc biệt là trong việc ứng biến, điều chỉnh trong qua trình dẫn chương trình trực tiếp.

Kinh nghiệm thì tôi nghĩ là chưa đủ để chia sẻ, tôi chỉ nghĩ rất đơn giản là khi làm việc thì phải nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, chăm chỉ và sáng tạo thì sẽ làm được thôi.

Được biết, vừa qua, chương trình "Đối thoại trẻ" với chủ đề “Học để làm gì?” đã đoạt giải C Báo chí Quốc gia- Giải báo hình dành cho thể loại bình luận, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu. Là người tham gia làm chương trình và trực tiếp dẫn, cảm xúc của anh như thế nào?

Cũng nói rõ ràng trước là nội dung, chủ đề đưa ra của chương trình này là nhà báo Bạch Dương và BTV Tuyết Nhung, tôi là người viết lời dẫn, cùng nhà báo Bạch Dương điều chỉnh các câu hỏi sao cho phù hợp trước khi truyền hình trực tiếp và trong quá trình truyền hình trực tiếp, nhà báo Bạch Dương là tổng đạo diễn nên luôn theo sát và điều chỉnh nội dung, hướng đi của chương trình cho phù hợp.

Cũng giống như khi chương trình "Đối thoại trẻ" về chủ đề môi trường được HCV trong liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2008, tôi cảm thấy rất vui và một chút hãnh diện khi biết chương trình được giải thưởng này bởi dù không nhiều nhưng tôi cũng là người góp một phần nhỏ tạo nên sự thành công của chương trình chứ, đúng không nhỉ?

Vui và một chút hãnh diện nhưng cũng thấy lo lắng vì điều đó có nghĩa là trách nhiệm sẽ lớn hơn để làm chương trình được tốt hơn và xứng đáng với những gì mình và đồng nghiệp nhận được.

Với anh, giải thưởng đó có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp làm truyền hình của anh, liệu có phải là bước đệm để vươn tới những giải thưởng danh giá hơn nữa?

Câu hỏi này thú vị nhưng không dễ trả lời. Tôi nghĩ một giải thưởng khiêm tốn không thể có ý nghĩa lớn trong cả sự nghiệp truyền hình vì con đường làm báo không phải là những giải thưởng mới là thành công mà thành công là sự tác động tích cực của những tác phẩm đến công chúng, đến đời sống của người dân.

Tuy nhiên, giải thưởng luôn là sự động viên, khích lệ, là sự ghi nhận và tạo động lực cho mình quyết tâm hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức trong công việc để làm việc tốt hơn.

Việc vươn tới một giải thưởng lớn hơn thì không phải là mục đích của mình cũng như các đồng nghiệp, tôi nghĩ là như vậy. Tôi nhớ một doanh nhân rất thành đạt đã chia sẻ rằng “Tiền bạc là hệ quả tất yếu của kinh doanh chứ không phải mục đích của kinh doanh”, từ đó tôi nghĩ tất cả những giải thưởng, phần thưởng là kết quả tự nhiên khi chúng ta cố gắng làm tốt nhất có thể công việc của mình chứ không phải làm việc để vươn tới những giải thưởng danh giá hơn.

Với tôi, giải thưởng danh giá nhất nếu có là sự yêu mến của khán giả đối với những người làm báo hình và những tác phẩm báo chí giúp cho cuộc sống của ai đó được tốt hơn.

Tôi vừa được nhận bằng khen của đoàn khối TW cho PV, nhà báo trẻ có thành tích trong tuyên truyền về học tập và làm theo lời Bác. Đây là phần thưởng cho cả ekip nên tôi cũng thấy vui.

Chương trình anh đang thực hiện là một chương trình khá "xương", ngay từ việc tìm nhân vật, thực hiện phim tài liệu, những phóng sự phía sau... cũng khá gai góc, vậy để công việc luôn chạy, Hữu Bằng có bí quyết gì vậy?

Bí quyết thì chắc phải chờ tôi công tác thêm 30 năm nữa (cười). Chắc bạn đang nói tới chương trình "Hành trình tuổi trẻ làm theo lời Bác". Đây là một chương trình không “xương” nhưng khá vất vả. Đúng như bạn nói, với tần suất 1 số/tuần, mỗi số gần 15 phút về các tấm gương thanh niên điển hình trên khắp mọi miền đất nước học tập và làm theo lời Bác nên cái khó khăn nhất là sức ép thời gian và tìm kiếm nhân vật. Như tôi đã chia sẻ, để công việc "chạy" tôi nghĩ quan trọng nhất là khi làm việc hãy nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, chăm chỉ và sáng tạo.

Ngoài ra, nhóm làm việc đoàn kết để cùng hướng tới một mục tiêu do chính nhóm đặt ra. Bên cạnh đó còn rất nhiều các yếu tố khác như cách giao tiếp, nói chuyện với nhân vật, cách “nhờ vả” những nguồn tin để có thể cung cấp cho mình những tấm gương để từ đó mình tìm ra họ, tìm hiểu họ, thuyết phục họ và làm chương trình về họ.

Người làm truyền hình buộc phải đầu tư rất nhiều công sức, quá nhiều thời gian, nhất là người vừa tham gia dẫn chương trình, vừa tham gia sản xuất như Hữu Bằng, vậy thời gian dành cho gia đình cũng như những lúc riêng tư, anh phải xoay sở như thế nào?

“Xoay” quá tôi chóng mặt lăn đùng ra ngất thì chết (cười). Sẽ thật không hay khi làm truyền hình mà lại kể lể ra là mình bận rộn đúng không bạn, vì điều đó là đương nhiên, ai cũng biết. Tôi vừa phụ trách chương trình "Hành trình tuổi trẻ làm theo lời Bác", vừa là người dẫn chương trình này đồng thời dẫn chương trình truyền hình trực tiếp "Đối Thoại trẻ" và một số chương trình đột xuất của Phòng, Ban nên đúng là thời gian cũng hạn hẹp thật! Nhưng quan điểm của tôi là “ra khỏi nhà thì muốn đến cơ quan và rời khỏi cơ quan thì muốn về nhà” nên tôi vẫn có thời gian riêng tư đấy chứ.

Nói vậy nhưng cũng tâm sự thật là nhiều lúc thấy kiệt sức với công việc, thấy không thể chịu nổi nhưng cứ xong việc lại thấy vui, được nghỉ một ngày lại thấy có thêm sức mạnh và niềm vui để bắt đầu chiến đấu tiếp.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước