Nếp nhà - Những người giữ nét Tràng An

Theo Thế giới điện ảnh-Chủ nhật, ngày 11/07/2010 15:00 GMT+7

Nếp nhà là câu chuyện xoay quanh gia đình ông Bắc, bà Lụa – một gia đình nền nếp, gia phong với ba thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà.

Nắng gay gắt, không khí nóng bức như cô đọng. Diễn viên - NSƯT Lan Hương nhận cốc nước chanh từ tay cô bán nước, vừa quệt mồ hôi vừa tranh thủ uống vội để vào cảnh quay tiếp theo. “Thế này ăn thua gì, đợt nóng dữ dội của Hà Nội vừa qua, lại phải quay tại căn phòng nhỏ trong cùng kia kìa mới gọi là sợ. Như cá mòi đóng hộp…”. Theo hướng chỉ của diễn viên Lan Hương, căn phòng khách tại số nhà 38 Hàng Đào ngột ngạt người. Đạo diễn Vũ Trường Khoa cùng ekip của mình đang tất bật chuẩn bị cho những cảnh quay trong phim. Họ đang đánh vật với cái nóng để chau chuốt nét Tràng An trong bộ phim hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long: Nếp nhà.

Tạo dựng lại nếp nhà…

Không chỉ đánh vật với cái nóng mà còn cả với thời gian. Đạo diễn Vũ Trường Khoa tiết lộ có những hôm đoàn phải bắt đầu quay từ sáng sớm cho đến 4h,5h sáng hôm sau. “Khi đoàn đóng máy nghỉ thì những người dân phố cổ cũng lục đục ra hồ Gươm tập thể dục. Mang danh là khởi quay từ tháng 3 nhưng ngay từ trước Tết, đoàn đã phải vác máy quay đi quay lại những cảnh lễ hội, cảnh người dân để dự phòng. Gấp thì không phải nếu tính thời gian 4 tháng chia đều cho 43 tập, nhất là trong bối cảnh quay truyền hình hiện nay nhưng cái chính là muốn được chau chuốt” – anh cho biết thêm.



Đạo diễn Vũ Trường Khoa (bên phải) đang chỉ đạo diễn xuất

Bối cảnh căn nhà 38 Hàng Đào chẳng lạ gì với những người yêu Hà Nội bởi đây chính là trụ sở của Ban quản lý phố cổ Hà Nội vốn đã được trùng tu lại từ năm 2000 theo khuôn mẫu nhà cổ Thăng Long xưa. Nếp nhà là một bộ phim hướng tới chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long nên đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tác động cho mượn địa điểm này trong một tháng để hoàn thành các cảnh quay. Đây là bối cảnh chính – gia đình ông Bắc trong phim, nơi diễn ra mọi câu chuyện.Trước đây, trong kịch bản gốc, nhà ông Bắc nằm trong căn biệt thự Pháp 2 tầng nhưng vì khó khăn trong việc chọn bối cảnh cũng như căn nhà 38 Hàng Đào quá ưng ý nên kịch bản đã có sửa đổi.

Theo lời đạo diễn Vũ Trường Khoa thì Nếp nhà chính là việc giữ những nét văn hóa của người Hà Nội xưa trong bối cảnh câu chuyện đương đại. Ngoài việc làm toát lên hình ảnh một gia đình người Hà Nội đặc trưng ở phố cổ với ba thế hệ cùng quần tụ thì điểm nhấn của phim là khắc họa được tính cách của những người đã từng tạo nên câu thành ngữ “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Đó là sự lịch thiệp, hòa nhã, là sự bình tĩnh trước mọi vấn đề và xử lý bằng góc độ đạo lý, thiện lương, “giấy rách phải giữ lấy lề”.



Ông Bắc, bà Lụa và 2 cô con gái Quỳnh, Giao

Kịch bản do nhà văn Thùy Linh – một người gốc Hà Nội viết và đạo diễn cũng là người lớn lên từ mảnh đất này. Dàn diễn viên cũng là những người sống lâu năm ở thủ đô và đều là những NSƯT tên tuổi về mặt diễn xuất như Hữu Độ, Ngọc Lan, Minh Châu, Lan Hương, Minh Hiếu, Hoàng Lan, Đỗ Kỷ, Trung Anh, Mai Ngọc Căn, Lê Mai... Đây cũng chính là điểm yên tâm nhất của đạo diễn. Diễn viên – NSƯT Ngọc Lan cũng đánh giá: “Đây là dàn diễn viên mà tôi thấy ưng ý nhất bởi không có độ chênh về diễn xuất, chúng tôi hiểu nhau và tinh ý trong từng cử động”.

Điểm ưng ý thứ hai trong Nếp nhà chính là bối cảnh. Theo lời đạo diễn Vũ Trường Khoa thì “Đây là bộ phim đầu tư bối cảnh rất kỹ lưỡng với toàn bộ không gian sống của người phố cổ. Từ trước tới giờ, ít có bộ phim truyền hình nào phục dựng công phu bối cảnh đến thế”. Họa sỹ Lê Thuận Toàn, một trong hai họa sỹ chính của phim cho biết để phục dựng lại căn nhà này theo đúng kịch bản thì ông và đồng nghiệp đã phải đi gõ cửa từng nhà từ người quen cho đến những người buôn đồ cổ, từ mượn tới đặt tiền thuê hay làm tin, từ viên gạch kê sân, lồng chim, non bộ cho đến sập gụ, tủ tường, bình gốm, con nghê… đem về lắp ghép cho đồng bộ. Đồ cũ của căn nhà được dọn đi và thay thế toàn bộ tạo nguyên nét nhà cổ xưa. Cá biệt, để tăng thêm phần chân thật, một vài món đồ như con nghê, bình gốm ở phòng khách đều là những đồ cổ thật với giá trị rất lớn mà ông đã nài nỉ người ta để mượn. “Làm phim mà cứ giật mình thon thót. Nhỡ đâu tai bay vạ gió, chỉ không cẩn thận một chút thì méo mặt vì đền…! – Họa sỹ Thuận Toàn chia sẻ. Cũng may, nhà ông chỉ cách bối cảnh chính độ 2,3 nhà. Cứ sáng vác đến, chiều lại thu thu mang về nhà giấu kỹ….

Nếp nhà đã đi được 2/3 quãng đường. Theo đúng như lộ trình, cuối tháng 7 phim sẽ bước sang giai đoạn hậu kỳ và tháng 9, khán giả đã bắt đầu tiếp bước hành trình tìm giữ nét văn hóa Tràng An qua những biến cố, số phận của các nhân vật trong gia đình ông Bắc, bà Lụa.

Những người giữ nét Tràng An

Diễn viên Hữu Độ - Vai ông Bắc, 75 tuổi

Ông Bắc là một giáo viên về hưu, một người Hà Nội cổ vẫn giữ những phép tắc, nề nếp gia phong truyền thống, để giáo dục con cái. Ông luôn đau đáu hai điều: Một là Hà Nội xưa của ông đang dần mai một, không còn nhiều sự níu giữ, tôn trọng trong mắt nhiều người dân đang cuốn theo cuộc sống hối hả đô thị hóa và ông – người con Thăng Long xưa phải làm điều gì đó. Thứ hai là sự kiên định giữ nền nếp gia phong trong ngôi nhà mà ông là trụ cột tinh thần. Ông phải là người giữ đạo lý trong gia đình mình, nơi có người con gái cả chồng mất sớm, cậu con rể vướng vòng lao lý và cô con dâu không thể có con.

Diễn viên Ngọc Lan – Vai bà Lụa – 70 tuổi

Bà Lụa là nguyên mẫu của người phụ nữ Việt Nam “tam tòng tứ đức”. Ngoài việc chăm lo cho gia đình bà còn điều hành một xưởng thêu do bà bạn đi nước ngoài để lại. Nghề thêu là nơi mà bà đã dành trọn niềm đam mê và truyền lại cho người con gái thứ 2 của mình. Bà chính là ngọn lửa giữ ấm trong gia đình…

‘ Ông Bắc luôn đau đáu về vai trò gìn giữ nét văn hóa của mình



Diễn viên Minh Châu – Vai Quỳnh, chị cả

Quỳnh là chị cả trong gia đình làm nghề nghiên cứu ca trù. Chồng chết, con trai đi du học nước ngoài, Quỳnh ở vậy chăm lo cho bố mẹ, cho hai em. Cô được gán ghép với một người đàn ông là bạn của cậu em rể nhưng không thành. Sau khi trở thành tác nhân khiến em rể Quỳnh vướng vòng lao lý, anh ấy đã bỏ đi, để Quỳnh ở lại với sự đau khổ. Quỳnh là nguyên mẫu của một người nền nã, nhẫn nhục chịu nhịn tất cả những vất vả khổ sở một cách mòn mỏi…

Diễn viên Lan Hương – Vai Giao

Giao là mẫu phụ nữ lo toan theo truyền thống của gia đình, là chỗ dựa của chồng con. Trong cô luôn là tình yêu dành cho gia đình, cho chồng con, là điểm tựa vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Tiếp nối tình yêu của người mẹ với nghề thêu, Giao đã từ bỏ công việc tại một công ty xuất nhập khẩu, gánh vai nhận trách nhiệm phục hưng nghề truyền thống của gia đình và cô đã thành công. Giao là mẫu phụ nữ nghị lực, luôn vươn lên trong cuộc sống.

Diễn viên Minh Hiếu – Vai Bảo

Bảo là con út trong một gia đình gia giáo và ảnh hưởng rất rõ tính cách của bố. Là một nhà báo nhưng Bảo lại là một người hoài cổ, đề cao giá trị của cuộc sống hơn là vật chất. Bi kịch của Bảo là vợ bị tai nạn không thể có con trong khi anh lại là con trưởng của một dòng họ với áp lực phải có người nối dõi. Nhưng Bảo lại là người nhất mực yêu vợ và không cố tìm cách thoát khỏi bi kịch đó. Nhưng số mệnh như run rủi và an bài, một cuộc gặp gỡ tình cờ, một sự hy sinh cao cả đã xuất hiện…

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước