“Những công dân tập thể”: Câu chuyện gia đình đa sắc

Đỗ Đức-Thứ năm, ngày 31/05/2012 07:00 GMT+7

Được coi là một bức tranh đa sắc màu về gia đình và những thay đổi trong lối sống, trong mỗi con người ở một khu tập thể cũ, “Những công dân tập thể” hứa hẹn là một bộ phim đáng xem, đáng suy ngẫm.

Một cảnh trong phim

Theo đạo diễn Nguyễn Trường Khoa, “Những công dân tập thể” tập trung vào khai thác cuộc sống đời thường với những chi tiết rất nhỏ, những chi tiết làm nên những nét đặc trưng, điển hình của mỗi nhân vật. Là dòng phim chính luận nhưng những nhân vật của “Những công dân tập thể” đều được xây dựng mang tính hài hước và giải trí cao, giúp cho người xem có một cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về đời sống của những con người trong khu tập thể vốn đã đang xuống cấp. Và đó cũng là lúc sự tha hóa biến chất ngày một gia tăng.


Dương (Kiều Anh), nhân vật chính trong phim, là một phụ nữ khá xinh đẹp, có trình độ, có địa vị, con một nhà giáo (NSND Như Quỳnh), sống mẫu mực. Chồng của Dương, Kỷ (Công Dũng) là một cán bộ tổ chức của một trường Đại học danh tiếng. Cô có đứa con trai kháu khỉnh thông minh, cậu em đầy cá tính, luôn yêu thương chị hết lòng… Nhưng bên trong cuộc sống đáng được ngưỡng mộ ấy là hình ảnh, cuộc sống hoàn toàn khác của Dương. Cô sống trầm lặng và mệt mỏi trước một người chồng bản tính khô khan, thô vụng, luôn mặc cảm, thiếu tự tin với suy nghĩ sống nhờ nhà vợ. Cuộc sống của Dương hoàn toàn đảo lộn và gia đình cô đứng trước nguy tan vỡ khi Kỉnh có bồ. Mọi chuyện vỡ lở khi một ngày Dương gặp Kỉnh và Xuyền tại khách sạn. Dương quyết định ly hôn nhưng trớ truê thay, mẹ cô lại đột ngột qua đời vì tai nạn xe máy. Trước khi nhắm mắt, bà muốn Dương tha thứ cho Kỉnh. Vì mẹ, Dương đã xé đơn ly hôn…

Kiều Anh tại buổi họp báo

Theo chia sẻ của Kiều Anh tại buổi họp báo công chiếu bộ phim, “Những công dân tập thể” là bộ phim đánh dấu sự trở lại của cô với khán giả truyền hình với vai trò của một diễn viên sau 8 năm xa cách. Thế nên, trong lần trở lại này cô cũng có đôi chút “trục trặc” trong cách diễn ở những đoạn đầu của phim. Với sự ủng hộ và động viên của các đạo diễn cùng các đồng nghiệp, diễn viên trong phim cũng đã phần nào thể hiện được vai một người vợ đa tâm trạng.

Song song với câu chuyện của Dương là những câu chuyện của các nhân vật khác với những số phận, hoàn cảnh rất đặc biệt… Đó là câu chuyện của ông Cân, bà Lạng; người bán cháo lòng, người bán chân gà nướng. Họ sẵn sàng “khẩu chiến” để đòi quyền lợi, sẵn sàng đổ cho vợ có “phi công trẻ” và ly hôn giả hòng được chia căn hộ nữa… Hay câu chuyện tình cảm ở tuổi xế chiều của bà bác sỹ Nha và ông nhà văn Ngô. Cho dù, con gái của bà Nha phản đối, rồi con trai của ông Ngô hư hỏng nhưng họ vẫn quyết tâm đến với nhau. Chính tình cảm của họ đã khiến Hằng (con gái bà Nha) cũng như Khôi (con trai ông Ngô) đã dẹp bỏ được sự ích kỷ của mình…

Đoàn làm phim "Những công dân tập thể" tại buổi họp báo

Không chỉ phản ánh đời sống của tầng lớp trung niên, cao niên, “Những công dân tập thể” còn đi sâu khai thác tâm lý của những thanh niên thế hệ 8X, 9X như Hoàng, Uyên. Họ đại diện cho lớp trẻ năng động dám nghĩ, dám làm. Tình yêu và tiếng cười trong trẻo của họ là điểm sáng của bộ phim.

Đánh giá về bộ phim, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài THVN, nhấn mạnh “Những công dân tập thể” là một bộ phim đáng xem, đáng để suy ngẫm với rất nhiều những tình tiết hấp dẫn và rất đời thường.

36 tập phim “Những công dân tập thể” sẽ bắt đầu phát sóng vào lúc 20h10 các ngày thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, từ ngày 22/6 trên kênh VTV1, Đài THVN.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước