Không thể quên được "Ở nhà chủ nhật"
- Cơ duyên nào đưa chị đến với VTV3?
Năm 1997 vừa ra trường được một năm, đang yên tâm công tác tại tạp chí VietNam Economic News tôi nộp đơn thi vào VTV3. Đơn nộp cũng do một người bạn thân của tôi đang công tác tại kênh truyền hình VTV1 giới thiệu. Hồi đó tôi mới ra trường, đang ôm mộng làm một phóng viên báo viết nổi bật bỗng dưng lại rẽ ngang sang truyền hình.
Nhà báo Nguyên Hạnh hồi đó phụ trách việc tuyển chọn hồ sơ ban đầu đã ghi chú những nét nổi bật trong hồ sơ của tôi như: thủ khoa báo chí, tốt nghiệp loại giỏi... nên tôi đã được chú ý (cười). Nhưng điều làm chị ấy ấn tượng hơn và mãi sau này tôi mới biết đó là tôi viết một đơn xin dự tuyển rất khiêm tốn, đại ý là mong được VTV3 cho một cơ hội để thử việc, vậy mà thấm thoắt đã được 13 năm tôi công tác tại Đài THVN.
- Công việc hiện tại của chị là gì?
Hiện tại tôi đang là Phó Trưởng ban thể thao, Giải trí và Thông tin kinh tế. Tôi phụ trách chỉ đạo sản xuất một số chương trình như: Hãy chọn giá đúng, Ô cửa bí mật, Đối mặt, Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng... Ngoài ra tôi còn phụ trách mảng đào tạo của Ban.
Không biết có phải do phân công công việc hay không hoặc do bản tính thích học hành nên tôi cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nội bộ. Ngoài ra là một nhà báo, tôi rất quan tâm đến chuyện chia sẻ thông tin với khán giả. Tôi thích những chương trình mà qua đó khán giả có thể áp dụng khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là lý do tôi gắn bó với "Ở nhà chủ nhật" suốt 9 năm liền. Bây giờ mọi người vẫn còn gọi tôi là chị "Ở nhà chủ nhật" cho dù bây giờ chương trình đó đã thôi sản xuất (cười lớn).
- Yêu mến "Ở nhà chủ nhật" đến vậy chắc hẳn chị phải có nhiều kỷ niệm với chương trình này chứ?
Tôi là một người rất thích chia sẻ. Những gì tốt đẹp nhất tôi đều muốn mọi người biết đến. Thời gian làm chương trình này tôi thấy rất thích vì những mẹo nhỏ của mình tìm được qua những lần va chạm trong cuộc sống cũng như đọc được ở sách báo, và tôi đã áp dụng để hướng dẫn cho mọi người trong chương trình "Ở nhà chủ nhật". Sau đó những vị khán giả sẽ phản hồi lại cho tôi rằng họ đã thành công trong việc sử dụng những mẹo đó ra sao. Đó là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.
- Có thể nói rằng khán giả rất thích cách dẫn chương trình của chị trong "Ở nhà chủ nhật". Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi là một người có tính cách vui vẻ và rất thích cách dẫn chương trình của người nước ngoài. Họ dẫn rất sinh động và tự nhiên. Tôi áp dụng điều này vào trong chương trình của mình. Lúc đầu, nhiều người lớn tuổi không thích nên về sau tôi bắt đầu tiết chế mình lại, vẫn với tiêu chí vui nhưng không "làm quá" và đã nhanh chóng nhận được sự yêu thích của khán giả.
Sợ phải làm những chương trình mới...
- Hiện nay có quá nhiều kênh truyền hình, với tư cách Phó ban Thể thao, Giải trí và Thông tin kinh tế, chị sẽ có cách gì để VTV3 thu hút được người xem hơn?
Tôi nghĩ mình rất may mắn khi được tham gia vào các chương trình truyền hình từ rất sớm, và lúc đó cũng có rất ít chương trình được phát sóng nên khi "Ở nhà chủ nhật" ra đời đã lập tức thu hút sự theo dõi của khán giả. Nhưng đến thời gian hiện nay lợi thế đó đã không còn, mà thay vào đó là sự cạnh tranh rất thú vị vì nó đòi hỏi các chương trình phải liên tục làm mới mình.
Đối với những chương trình trên VTV3 sẽ được thay đổi nội dung liên tục để không gây nhàm chán, bên cạnh đó các biên tập viên sẽ phải luôn suy nghĩ để tìm tòi cái mới và khắc phục những điều chưa được. Khâu tuyển chọn MC cũng là một bước quan trọng để gây được sự chú ý của khán giả. Đây cũng là điều tôi rất trăn trở, mỗi khi một chương trình truyền hình mới ra đời chúng tôi đều xem và coi họ làm được những gì. Tôi đánh giá khá cao những gì mà những người sản xuất chương trình trẻ làm được. Họ tìm tòi và phát triển những thứ đã có.
- Vậy có lẽ cách khắc phục tốt nhất ở đây là một tập thể trẻ đồng đều?
Điều này có lẽ là đúng một phần. Sẽ rất khó để có sự đồng đều trong một tập thể, sẽ có người nổi bật và có người không nổi bật bằng. Giống như một tập thể có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình, dù họ có trẻ hay không trẻ, họ cũng phải đóng góp hết mức tối đa của họ, bên cạnh đó họ phải được thay đổi và đào tạo phát triển bản thân hay kỹ năng công việc hàng ngày. Tuy nhiên, một tập thể biết vì nhau, biết hỗ trợ giúp đỡ nhau, tôi nghĩ điều đó sẽ tạo dựng được sự thành công.
- Trong công việc chị cảm thấy điều gì là khó khăn nhất đối với chị?
Những khi phải làm chương trình mới sản xuất là lúc tôi cảm thấy khó khăn nhất. Giống như một nguời đi trên một con đường nhưng không biết con đường đó đi đến đâu. Ngoài ra, vì làm một chương trình không phải chỉ có một người mà là một tập thể nên việc làm sao để đạt được hiệu quả cao nhất nhưng mọi người đều cảm thấy vui vẻ là điều rất khó.
|
Chờ đón sự thành công của Việt Nam Idol
- Trong thời gian trước dư luận cho rằng VTV3 loạn game show. Thời gian đó chị làm gì để có thể trấn an được dư luận?
Báo chí thời gian đó cũng có nhiều bài viết về tình trạng này nhưng tôi lại nhìn việc này dưới cái nhìn tích cực. Khi người ta nói như thế tức là game show đã trải qua giai đoạn cực thịnh và bắt đầu có dấu hiệu thoái trào. Bản thân những người làm biên tập trong VTV cũng nhận ra điều này. Khi người ta nói đến mình nhiều, tôi nghĩ mình nên hạnh phúc, tức là cái thể loại do mình phụ trách đang rất phát triển.
Bây giờ game show cũng đã được định hình, có những khung giờ nhất định và tất nhiên mọi người cũng đã nhìn thấy được sự đóng góp của nó trên các kênh truyền hình. Bên cạnh đó cũng sẽ có những thể loại khác nên những sự phàn nàn từ dư luận sẽ là không tránh khỏi. Ví dụ như trên thế giới đã sản xuất rất nhiều game, người ta chuyên về sản xuất truyền hình thực tế. Chúng tôi cũng sẽ làm như thế để có thể đi cùng với thời đại. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường và khi mọi người nói đến nhiều tôi lại cảm thấy rất vui (cười lớn).
- VTV vừa quyết định sẽ tổ chức chương trình Việt Nam Idol lần thứ 3 nhưng thú thật là đến tận bây giờ tôi vẫn chưa nắm bắt được là chương trình đó sẽ phát sóng trên VTV3 hay VTV6?
Chuyện này tôi không rõ lắm vì tôi không phụ trách Việt Nam Idol. Nhưng tôi nghĩ dù có phát trên VTV3 hay VTV6 cũng rất tốt vì chương trình này có một format hay. Năm 2007, khi nhà đài quyết định không sản xuất chương trình này từ đầu, lúc đó cá nhân tôi đã rất tiếc. Nhưng đó là suy nghĩ của tôi, những người lãnh đạo đương nhiên sẽ có cách nhìn rộng hơn mình.
Tôi nghĩ rằng, Đài truyền hình Tp.HCM đã thực hiện rất tốt chương trình này nhưng tôi cảm nhận thấy sự đón nhận của khán giả dường như chưa được tốt, nhất là những khán giả phía Bắc. Bản thân cũng không biết lý do vì sao nhưng khi biết chương trình sẽ được phát trên VTV tôi rất vui vì dù sao đây cũng là một chương trình rất hay và được khán giả quan tâm nhiều.
- HTV "thống trị" thị trường Sài Gòn, khi VTV phát sóng VietNam Idol chị có sợ rằng chương trình này sẽ mất lượng khán giả lớn không?
Tôi không ngại về điều đó. Tôi tin rằng, khán giả khi đã thích chương trình nào thì dù có phát trên HTV hay VTV họ vẫn sẽ theo dõi. Còn chương trình có thành công hay không thời gian sẽ trả lời. Việc sản xuất những chương trình như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam's Next Top Model... đã chứng tỏ một bước tiến của việc sản xuất chương trình truyền hình.
- Xin cảm ơn chị và chúc chị có một ngày 21/06 tràn ngập niềm vui.