Năm Giáp Ngọ sắp qua để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ, trăn trở trước biến chuyển ngày càng nhanh của thị trường truyền thông thế giới cũng như ở Việt Nam. Dù 2014 là một năm mà VTV đã làm được nhiều việc lớn có tính nền tảng để chuẩn bị cho các bước phát triển tiếp theo, đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của giới báo chí, nhưng những suy nghĩ về tương lai của truyền hình không ngày nào không đè nặng lên suy nghĩ của tôi và không ít người khác.
Sự phát triển của Internet và truyền thông mới đang làm thay đổi căn bản thị trường truyền thông mà chúng ta vốn quen thuộc nhiều thập kỉ qua. Có lẽ, đây đang bắt đầu một thời kì chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của báo chí nói chung, truyền hình nói riêng trên bình diện toàn cầu. Cũng chưa bao giờ các đài truyền hình và cả nền công nghiệp truyền hình lại đứng trước thách thức to lớn như hiện nay.
Sự lấn lướt của truyền thông mới và Internet đang thực sự làm suy giảm tác động ảnh hưởng xã hội của truyền hình, tác động mạnh tới nguồn thu và làm suy giảm tiềm lực của các đài truyền hình và tiếp theo nữa sẽ là sự suy yếu dần của đội ngũ những người làm truyền hình chuyên nghiệp ở tất cả các đài truyền hình có thương hiệu và uy tín. Đề ra chiến lược để đối phó với mối nguy cơ đó đang là vấn đề sống còn đối với tất cả các đài truyền hình trên thế giới và trong khu vực.
Các dự báo về xu thế của xã hội truyền thông mới trong những năm tới, đáng tiếc, đều bất lợi cho các đài truyền hình công cũng như truyền hình thương mại. Điều làm tôi thấy đáng ngại nữa là sự thay đổi theo xu hướng này đang đi nhanh hơn dự báo, trong khi rất nhiều người trong chúng ta còn nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí mơ hồ. Tôi vốn là người lạc quan nhưng cũng rất thực tế.
Nói đến điều này không phải để chúng ta hoang mang, song sự thay đổi ghê gớm của xã hội truyền thông đang đặt ra cho những người làm truyền hình chuyên nghiệp chúng ta, những người chỉ gắn bó và sống bằng nghề này và muốn cống hiến suốt đời cho nó, những khó khăn và thách thức chưa từng gặp phải. Cá nhân tôi chưa nhìn thấy những triển vọng sáng sủa đối với truyền hình so với thời “vàng son” mà chúng ta đã và đang nắm giữ.
Làm thế nào để Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) có thể trụ lại và tiếp tục phát triển được trong một thị trường truyền thông đang thay đổi và sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt? Các đài truyền hình vốn bao lâu nay đã phải cạnh tranh với nhau quyết liệt và sắp tới đây lại càng gay gắt hơn, nay lại phải đối mặt với sự cạnh tranh về ảnh hưởng xã hội, về nguồn thu quảng cáo với một đối thủ mạnh hơn và nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Lời giải cho bài toán này không dễ một chút nào và đang làm đau đầu tất cả các đài truyền hình lớn trên thế giới. Với VTV cũng vậy. Chắc chắn, tới đây tất cả chúng ta sẽ phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn bằng một chiến lược phát triển thực tế để đối phó với những thách thức đang đến, nhất là phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy quản lí và tổ chức sản xuất của Đài THVN.
Nhưng trên hết, chúng ta cần có những hành động nhanh chóng, quyết liệt để thích ứng với một xã hội truyền thông mới. Thời gian không chờ đợi, ai chậm chân sẽ là người thua cuộc. Nếu trước kia, phải mất một vài năm chúng ta mới cảm thấy cần có sự thay đổi, còn hôm nay, trong kỉ nguyên số và truyền thông mới, chậm một năm sẽ là sự suy giảm, chậm hai năm sẽ là sự suy yếu và chậm hơn nữa thì sẽ là sự nguy cơ đối với sự sống còn của một đài truyền hình.
Thị trường quảng cáo truyền hình dù vẫn còn chiếm tỉ trọng khá cao, nhưng nếu so với trước thì đang ngày càng sụt giảm mạnh. Nếu nhìn ra các nước trên thế giới thì xu hướng này đã rất rõ. Theo một đánh giá ở Mỹ, đến năm 2018, thị phần quảng cáo của Internet ở nước này sẽ chiếm tới 39%, vượt thị phần truyền hình chỉ còn 30%.
Còn ở nước ta, chỉ trong hai năm qua, các nhà đầu tư quảng cáo đang cắt giảm ngày càng lớn cho thị phần truyền hình để chuyển sang Internet và các phương tiện truyền thông mới. Các đánh giá và dự báo đều cho thấy, tương lai của truyền hình là nằm ở Internet và đến khoảng giữa thập kỉ sau sẽ không còn khái niệm truyền hình quen thuộc như chúng ta vẫn hiểu, thậm chí còn sớm hơn. Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ đang làm đảo lộn trật tự của một xã hội thông tin truyền thông đã được thiết lập từ bao thập kỉ và chính nó cũng đang làm thay đổi triệt để tư duy, cách thức hành động của những người làm truyền hình trên thế giới.
Kỉ nguyên số hôm nay khác căn bản so với xã hội thông tin đã biết từ trước tới nay. Trong thời đại truyền thông mới đó, chúng ta không thể thắng được trong cuộc đọ sức chưa từng có tiền lệ này chỉ bằng lí trí và quyết tâm suông. Mọi kinh nghiệm và mong muốn sẽ là không đủ, đây còn là cuộc đấu của trí tuệ và khả năng thích ứng mau lẹ với sự thay đổi của công nghệ mới. Người ta nói, biết sợ thì mới biết lo, biết lo thì mới buộc phải thay đổi, mà có dám thay đổi, dám đi những bước đi đầu tiên thì mới có thể tới đích, nếu không muốn bị tụt lại hoặc bị chìm nghỉm.
Tôi nhắc lại điều ấy để muốn nói rằng, mỗi người trong đội ngũ VTV, dù bất kể ở vị trí nào, không nên còn mơ hồ về một “giấc mơ truyền hình đẹp đẽ” mà tới đây sẽ rất nhiều khó khăn. Thói quen của tư duy bao cấp, dựa dẫm ỉ lại, không dám nghĩ, dám hành động và dám chịu trách nhiệm đến cùng với công việc của mình dẫn đến hiệu suất làm việc không cao vẫn luôn là một vấn đề lớn đối với VTV dù những năm qua chúng ta đã cải thiện được khá nhiều nhưng chưa đủ. Trong khi rất nhiều người tâm huyết, tận tâm cho công việc thì cũng còn không ít người vẫn như còn đứng ngoài cuộc, coi đó như là trách nhiệm của ai đó chứ không phải của mình, của đơn vị mình.
Trước thềm năm mới Ất Mùi, nếu có điều gì tôi muốn nói nhất với tất cả đội ngũ của VTV chúng ta thì đơn giản là: Mỗi người ở từng vị trí công tác của mình hãy thể hiện trách nhiệm hết mình với VTV bằng những hành động cụ thể, chuyên nghiệp. Chỉ bằng sự sáng tạo và tâm huyết, sự yêu nghề cháy bỏng và dám xả thân với con đường đã chọn là gắn bó với VTV, ý thức luôn tự đổi mới mình mạnh mẽ và một thái độ làm việc quyết liệt thì cả tập thể này sẽ biết cách vượt qua được mọi thách thức.
Bài học cho VTV trong sự nghiệp phát triển của mình 45 năm qua cho chúng ta nhận ra một điều: Lực cản lớn nhất có thể ngăn bước đội ngũ tiến lên phía trước, thậm chí bị tụt lùi, không gì khác chính là sự thiếu đồng sức đồng lòng, là sự bảo thủ và sức ỳ trong tư duy và hành động của chính chúng ta, trước tiên là của những người nắm các vị trí quan trọng trong bộ máy và trong từng đơn vị.
VTV cần phải tiếp tục giữ được vị thế ảnh hưởng và tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ bằng sự thay đổi thích ứng với xu thế mới và với ưu thế của nhà sản xuất nội dung số một ở Việt Nam. Nhìn lại thành quả những năm qua, chúng ta tự hào về những thay đổi to lớn.
Trong bối cảnh khó khăn, VTV vẫn phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng, tiềm lực của Đài Truyền hình Quốc gia do chúng ta tự tạo ra bằng công sức lao động, trí tuệ của cả đội ngũ đã tăng lên mạnh mẽ, việc chuyển đổi công nghệ số về cơ bản đã thành công và hầu hết các chương trình, các kênh sóng đều có những thay đổi có tính đột phá về chất lượng, cho thấy đẳng cấp của VTV không chỉ ở trong nước mà còn là một thương hiệu có uy tín trong khu vực.
Các chỉ tiêu quan trọng nhất của kế hoạch phát triển Đài THVN mà Đại hội Đảng bộ Đài đề ra cho nhiệm kì 2010 – 2015 chúng ta đều đã vượt qua chỉ trong nửa đầu nhiệm kì. Nhiều mục tiêu là ước mơ của người làm truyền hình suốt bao nhiêu năm nay, thậm chí, những cái chúng ta chưa từng nghĩ đến hoặc không dám nghĩ đến thì nay đang trở thành hiện thực và sẽ trở thành hiện thực những năm tới. Sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần chủ động sáng tạo, sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ làm nghề dám mơ ước và hành động để khẳng định mình là những yếu tố quan trọng nhất tạo ra những bước bứt phá ngoạn mục của VTV những năm gần đây.
Chúng ta đang chủ động xây dựng để triển khai sớm trong năm nay chiến lược phát triển nội dung và kinh doanh mới thích ứng với sự phát triển của công nghệ số. Chỉ có thế, VTV mới tiếp tục duy trì được vị thế và tiềm lực trong thị trường truyền thống và có vị thế trong thị trường truyền thông mới. Ý thức về sự cấp thiết phải thay đổi công nghệ, hai năm qua và tiếp tục trong năm 2015, VTV tập trung nguồn lực, nhân lực đầu tư chuyển đổi công nghệ. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho những kế hoạch to lớn hơn.
Từ đây, chúng ta sẽ bắt đầu phải tập đi trên một con đường mới, khác nhiều so với cách chúng ta vẫn đi theo lối tư duy truyền thống. Chúng ta có tài nguyên nội dung lớn nhất và phong phú nhất, chúng ta có đội ngũ chuyên nghiệp tâm huyết và VTV là thương hiệu lớn nhất ở Việt Nam với tư cách là nhà sản xuất truyền hình, chúng ta có truyền thống đáng tự hào và vị thế của Đài Truyền hình Quốc gia duy nhất, đó là những tài sản quý giá nhất đối với những người làm truyền hình ở Đài THVN. Trên cái nền tảng quý báu ấy, nếu chúng ta thay đổi tư duy quản lí và sản xuất thì hoàn toàn vẫn tiếp tục phát huy được những thế mạnh của mình.
Theo từng giai đoạn, các bước đi tiếp theo sẽ được tính toán để triển khai thực hiện, nhưng không thể chậm trễ hơn được nữa. Chậm hơn nữa là chết! Cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, không như những lần khác trong lịch sử phát triển 45 năm của Đài THVN, lần này nếu chúng ta không bắt kịp được với sự thay đổi thì chúng ta sẽ thua trong cuộc cạnh tranh ở kỉ nguyên số đang làm thay đổi tận gốc các phương thức truyền thông trong một xã hội truyền thông mới.
Trước thềm năm mới, tôi nói về những thách thức và cơ hội, những hướng đi và những khát vọng của những người làm ở Đài THVN, đặc biệt là lớp người trẻ đang khát khao cống hiến để chúng ta có thêm động lực và lòng tin vượt qua những thách thức mới và biến chúng thành cơ hội của mình, cơ hội của sự thay đổi.
Nếu tất cả chúng ta thấy cần phải thay đổi, tôi cam kết sẽ cùng đi với các bạn đến cùng. Dù có khó khăn và đương đầu đến mấy, chúng ta sẽ đưa VTV đi tới thành công.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.