Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) số 29 vừa qua có phải là lần đầu tiên ê-kip thực hiện với người nước ngoài không?
Khoảng 1/3 số chương trình trực tiếp NCHCCCL có sự hiện diện của “người nước ngoài”. Ngay số 2, vào tháng giêng 2008, một nhân vật đoàn tụ của chúng tôi là một bác người Trung Quốc, con một liệt sĩ gốc Hoa, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, số 4 – một Chuẩn tướng không quân Hoa Kỳ được gặp lại “đối thủ trên không”, cựu phi công MIG-21 Nguyễn Hồng Mỹ.
Rồi, người bạn lớn của Việt Nam, ông André Menras tìm ân nhân thời ông hoạt động chống chiến tranh tại miền Nam Việt Nam; Chủ tịch Tổ chức Sức khoẻ không biên giới tìm mẹ đẻ cho các con nuôi Việt Nam… Chúng tôi tìm được họ hàng và gốc gác gia đình cho người phụ nữ quốc tịch Pháp Phan Lynda; tìm người bạn của 60 năm về trước cho bà Renate Kammel người Đức; các bạn học 30 năm trước cho anh Wolfgang cũng người Đức,… Khó mà điểm hết sự hiện diện mang tính chất nước ngoài trong chương trình của chúng tôi.
Chúng tôi quan niệm, chia ly là không biên giới. Nên sự có mặt của người nước ngoài trong chương trình chỉ chứng tỏ tầm ảnh hưởng ngày càng rộng của NCHCCCL mà thôi.
Hiếm có một chương trình xúc động như NCHCCCL, cả người thực hiện, người tham gia lẫn khán giả đều khóc. Phải chăng đây là thành công đáng kể của Thu Uyên sau một thời gian dài chia ly với truyền hình?
Thành công hay không là do khán giả đánh giá. Hơn nữa, có thành công thì là do công sức tập thể, những người làm chương trình trong đó có tôi, và các đối tác, nhà tài trợ, những đơn vị song hành với NCHCCCL, các tình nguyện viên nữa. Không hề khách sáo, nhưng NCHCCCL đạt thành công như hiện nay là nhờ tinh thần nhân ái trong toàn xã hội. Đối với tôi, đây là chương trình mà tôi gắng sức nhất.
Tháng Tư 35 năm trước, hàng ngàn đứa trẻ Việt Nam được đưa sang Mỹ vội vàng trong một chiến dịch không vận mang tên Babylift. 35 năm sau, họ vẫn không biết mình thực sự là ai vì giấy khai sinh và lý lịch đã bị làm giả. Họ- những đứa trẻ bị mặc định là mồ côi- tìm về quê hương mong mỏi đoàn tụ. Chị tiếp cận với những đứa trẻ Babylift bằng cách nào?
Họ không còn là những “đứa trẻ”, nên không thể tiếp cận nếu họ không chủ động. Đầu tiên, khi Như chưa hề có cuộc chia ly mới lên sóng một vài số, có phóng viên đã giới thiệu Tiffany Goodson đến nhờ chương trình tìm mẹ đẻ cho chị. Chị đã được đưa sang Mỹ trong Chiến dịch Không vận cô nhi Babylift. Chúng tôi tìm ra gia đình cho chị. Và câu chuyện đó được đạo diễn Tammy Lee Nguyễn đề nghị đưa vào phim tài liệu Babylift – Những đứa trẻ thất lạc của Việt Nam. Bộ phim khá có tiếng vang trong năm 2009, nói về cảm giác chông chênh của những “trẻ Babylift” sau 35 năm lớn lên tại một nơi khác ngoài quê hương khi nhận thức về bản thân.
Từ đây, chúng tôi nhận được khá nhiều lời đề nghị tìm kiếm nguồn gốc từ các bạn Babylift. Cuộc hành hương về Tổ quốc của đoàn 40 người có mặt trong NCHCCCL số 29, là do chị Trista Goldberg (gốc Việt) phát động. Chị là người sáng lập tổ chức “Chiến dịch Đoàn tụ” (“Operation Reunite” – đối lại với “Operation Babylift”). Trista Goldberg chủ động liên hệ với chúng tôi.
Tất cả họ- những đứa trẻ rời Việt Nam tháng 4-1975 nay đều đã 36- 40 tuổi và phần lớn không biết tiếng Việt. Ấn tượng của chị về họ là gì?
Những người tôi được gặp đều được ăn học đến nơi đến chốn, lớn lên trong môi trường hoàn toàn Tây, nên họ là những công dân Mỹ, Đức, Pháp, Thụỵ Sĩ, Na Uy, Australia, New Zealand… hoàn chỉnh. Khi tiếp xúc rồi, đều có cảm nhận các bạn đều giống nhau ở một điểm, là nhận thức về sự thiếu hụt khi được nuôi dưỡng ở nơi không phải là đất mẹ, trong một xã hội ít người giống mình.
Đúng cách tư duy phương Tây, các bạn mà tôi gặp đều tìm cách để trả lời tự vấn: “Tôi là ai? Tôi từ đâu tới?...” một cách rất thẳng thắn, có người âm thầm nhưng vẫn quyết liệt. Và, mọi ngả đường đã dẫn các bạn về Việt Nam. Trong đoàn có chừng hai chục bạn lần đầu tiên quay về, chúng tôi tin rằng các bạn đã tự bù đắp được một phần cảm giác thiếu hụt đã có trước đây.
Chị là một người làm báo xuất sắc. Có cảm giác chị luôn tìm ra được một ý tưởng, một format mới cho bất cứ thể loại báo chí nào chị từng làm. Ấn tượng này của tôi có đúng không?
Cảm ơn bạn về ấn tượng này. Làm cái gì cũng cần góp vào đó một phần tư duy của mình. Tôi thấy điều đó tự nhiên thôi, không thể nói thế đã là xuất sắc.
Báo chí dường như là điều chị không thể cách xa, dù chị từng truân chuyên vì nó?
Đến nay thì tôi vẫn đang làm báo. Bản thân tôi chẳng hề thấy truân chuyên về nghề báo. Mà ngược lại. Nghề báo xem ra là một lựa chọn đúng của tôi đấy chứ!
Chị rời báo điện tử do điều gì?
Tôi nhận học bổng Fulbright và đi học Thạc sĩ Báo chí và Truyền thông ở Mỹ.
NCHCCCL đến nay đã giúp đoàn tụ được bao nhiêu người, của bao nhiêu gia đình?
173 hồ sơ đã hoàn tất, nghĩa là 346 nửa gia đình được đoàn tụ. Mỗi một “nửa” như vậy, sau hàng chục năm ly tán, đã thành những gia đình với hàng chục người trong cuộc.
NCHCCCL số 29 đã tiềm ẩn những cuộc hội ngộ giữa những đứa trẻ Babylift với cha mẹ anh em của họ. Nếu được, chị có thể tiết lộ bao nhiêu người trong số họ đến giờ này đã kết nối lại được với gia đình? Và chị đã chọn được nhân vật nào cho số 30?
“Trẻ Babylift” về nguyên tắc được xác nhận là mồ côi hoặc bị cho đi. Giấy tờ hầu hết bị làm giả để có thể lên máy bay sang Mỹ vội vã trong những ngày tháng Tư 1975. Do đó, trường hợp đoàn tụ như Tiffany Goodson là khá hiếm. Ngoài Tiffany, chúng tôi đã đoàn tụ được một trường hợp khác đang ở Australia. Chúng tôi vẫn hi vọng sẽ tìm ra gốc gác họ hàng cho một số trường hợp các bạn Babylift đã nhờ đến chương trình. Điều này còn phải trông vào sự may mắn nữa.
Chị đã chuyển hẳn công việc vào Sài Gòn từ năm 2005. Xin hỏi chị về cuộc sống và gia đình hiện nay?
Xin phép không đề cập chuyện gia đình.