Sau đây là 10 sự kiện kinh tế thế giới đáng chú ý do Trung tâm tin tức VTV24 bình chọn:
1.Làn sóng bảo hộ thương mại
Mỹ thẳng tay áp thuế, Trung Quốc cũng quyết liệt đáp trả, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục ăn miếng trả miếng. Không chỉ căng thẳng với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn gây áp lực thương mại với hàng loạt quốc gia khác trên thế giới như đe dọa áp thuế với ô tô Nhật Bản; chấm dứt ưu đãi thương mại với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay mới đây là dọa áp thuế lên nhôm thép của Brazil và Argentina. Ngay cả Liên minh châu Âu (EU), đối tác quan trọng của Mỹ, cũng không ngoại lệ. Quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương đã không ngừng nóng lên do những mâu thuẫn liên quan đến trợ giá máy bay, thuế công nghệ.
Tại Đông Bắc Á, hai nền kinh tế lớn là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vướng vào những tranh chấp thương mại sau khi Tokyo áp đặt các quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với những mặt hàng vật liệu công nghệ cao, rất cần thiết cho ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc.
Những căng thẳng này được coi là nguyên nhân chính khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống mức 3% - thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, nền kinh tế thế giới đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi căng thẳng thương mại dần lắng dịu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp đạt được các thỏa thuận thương mại, trong đó, đáng chú ý nhất chính là thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, vừa đạt được trong tháng 12, ngay trước thềm vòng áp thuế mới. Các diễn biến này đã góp phần làm lắng dịu những rủi ro đối với thương mại toàn cầu, mở ra triển vọng tích cực hơn cho nền kinh tế thế giới trong năm 2020.
2. Làn sóng hạ lãi suất
Việc thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại năm qua đã buộc nhiều nền kinh tế phải tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua công cụ là hạ lãi suất cơ bản. Mỹ - cường quốc số 1 về kinh tế hồi cuối tháng 7 lần đầu tiên phải hạ lãi suất sau 11 năm. Chưa dừng lại, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất thêm 2 lần nữa vào tháng 9 và tháng 10.
Động thái của Fed được xem là "ngọn đuốc" châm ngòi cho làn sóng nới lỏng tiền tệ trên phạm vi toàn cầu nhằm tăng cung tiền và hạ thấp giá trị của đồng nội tệ kích thích xuất khẩu.
Theo dữ liệu từ trang CentralBankNews, đã có tới 46 quốc gia, vùng lãnh thổ quyết định hạ lãi suất cơ bản trong năm 2019, trong đó có những ngân hàng ương lớn từ EU, Canada, Hàn Quốc, Australia...
Tuy nhiên, việc Fed phát tín hiệu dừng hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 đang khiến cho xu hướng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu sẽ chậm lại, bởi các nền kinh tế cần thêm thời gian để quan sát những rủi ro.
3. Cuộc chiến tiền tệ
Năm qua, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc nhiều lần lao dốc vì căng thẳng thương mại với Mỹ. Đầu tháng 8, đồng tiền này lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc quan trọng 7 Nhân dân tệ đổi 1USD trong 11 năm.
Nhiều trang báo quốc tế ngay sau đó bình luận, Bắc Kinh đã dùng Nhân dân tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đáp trả, Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1994.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC phát thông báo cùng ngày lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Mỹ, khẳng định diễn biến này phù hợp với thị trường. Hiện đồng tệ đã dần tăng giá trở lại.
4. Brexit - Cuộc "ly hôn" không hồi kết
Năm 2019 là năm thứ ba nước Anh dấn thân vào hành trình rời khỏi EU. Báo chí quốc tế năm qua đã phải gọi đây là một cuộc ly hôn kiểu "tra tấn".
Ngày 24/5: Bà Theresa May chính thức bước xuống khỏi vị trí Thủ tướng sau khi thỏa thuận Brexit mới do bà đề xuất bị phản đối. Hình ảnh nữ thủ tướng rơi nước mắt được coi là một trong những biểu tượng của sự bế tắc đối với cả quá trình Brexit.
1.000 tỷ ÚSD giá trị tài sản "chảy máu" ra khỏi nước Anh, tương đương 10% tổng tài sản ngành tài chính ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp cân nhắc di dời trụ sở mặc dù Thủ tướng mới của Anh đã hứa hẹn "Chúng ta sẽ biến nước Anh thành nơi tuyệt vời nhất hành tinh này".
Sau rất nhiều nỗ lực vận động và đưa ra những thoả thuận, nước Anh và EU vẫn chưa thể tách rời. Mới nhất, ngày 31/1/2020 tới đây sẽ là hạn chót để Anh rời khỏi EU. Trong 3 năm qua, tình trạng dậm chân tại chỗ và doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư vì Brexit đã làm nước Anh thiệt hại 66 tỷ Bảng.
5. Cuộc chạy đua tiền điện tử
Khoảng 2 năm qua, tại Washington, những chiếc ghế trong phòng họp của Quốc hội Mỹ đang trở thành ác mộng với CEO nhiều ông lớn công nghệ. Một trong số họ đã phải ngồi không chỉ 1 mà tới 3 lần là Mark Zuckerberg. Lần gần nhất, bắt nguồn từ Libra - kế hoạch tiền số đầy tham vọng của gã khổng lồ.
Không chỉ chất vấn, phiên điều trần còn là sự châm biếm với Libra, khi đưa ra bức hình biếm họa gọi Libra là "Zuckbuck" - đô la Zuckerberg. Những chỉ trích "bay" đến từ khắp nơi với đồng tièn số này. Facebook không trùn bước nhưng những chỉ trích đủ sức làm nản chí hàng loạt đối tác quan trọng. Paypal, Visa, hay Mastercard, hàng loạt ông lớn thanh toán lần lượt tháo chạy
Libra bị chặn đường nhưng tiền số vẫn là xu thế đang lên. Các ngân hàng lớn như JP Morgan, UBS hay Barclays đều đang rót hàng triệu USD cho những dự án tiền số, phục vụ các giao dịch xuyên biên giới nhanh và chi phí thấp.
Đi xa hơn nữa, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang triển khai kế hoạch tham vọng, tạo ra đồng Nhân dân tệ số vào năm sau. Các nước EU cũng bắt đầu đề xuất những ý tưởng về một đồng tiền số tương tự. Cuộc chơi tiền số được dự báo vẫn sẽ khốc liệt trong năm sau.
6. Những startup kỳ lân "gãy cánh"
Nếu có một lễ trao giải cho các startup của năm 2019 thì giải thưởng bài học cay đắng nhất năm chắc không thể thoát khỏi tay WeWork. Khởi đầu đầy ấn tượng, nhưng kể từ tháng 1 năm 2019, WeWork từ một trong những startup được định giá cao nhất lịch sử, bỗng nhiên bốc hơi tới 3/4 giá trị.
Đối với trường hợp của WeWork, có quá nhiều tiền đã trở thành một vấn đề khi hội đồng quản trị của WeWork không có phương hướng đầu tư hợp lý sau khi nhận được một bọc tiền quá lớn từ Softbank. Tất cả những điểm yếu này đã bộc lộ hết trước mắt các nhà đầu tư chỉ sau lần IPO đầu tiên. WeWork đang đốt tiền nhanh chóng và mô hình hoạt động tỏ ra không hề hiệu quả. Nhà đầu tư lập tức rút vốn.
Không chỉ WeWork, càng về cuối năm, các startup kỳ lân công nghệ nếu chưa hạ cánh thì cũng đều phải học cách bay thấp hơn. Điển hình là Go-jek của Indonesia đã phải tạm thời từ bỏ giấc mơ siêu ứng dụng, khi một số dịch vụ chia sẻ đã không thành công như mong đợi.
7. Cú rơi của Boeing 737 Max
Năm 2019 là một năm chấn động của ngành hàng không thế giới. Diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường hàng không năm qua gắn với chiếc máy bay 737 Max, dòng sản phẩm từng là con cưng, kiếm tiền số 1 cho gã khổng lồ máy bay Mỹ Boeing với hơn 600 tỷ USD đơn đặt hàng.
Sau 2 vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp, có liên quan tới lỗi hệ thống điều khiển, các nước bắt đầu đồng loạt quay lưng với dòng máy bay này và cả tập đoàn Boeing cũng nghiêng ngả theo. Đến khi FAA - cơ quan quản lý của quê nhà Mỹ cũng không còn có thể ủng hộ 737 Max, thì gã khổng lồ bắt đầu trượt dài.
Chỉ trong ít ngày, 11 tỷ USD bốc hơi khỏi vốn hóa của Boeing. Cả tháng 4 sau đó, mọi chiếc Boeing đều không có tên trong bất cứ đơn hàng nào. Boeing đốt 2 tỷ USD mỗi ngày để dây chuyền 737 Max hoạt động cầm chừng, bởi các máy bay làm ra đều không thể giao hàng.
Sau nhiều nỗ lực nhưng không thể đưa 737 Max cất cánh lại trong năm nay, cuộc khủng hoảng chạm đáy khi Boeing tạm dừng vô thời hạn sản xuất 737 Max.
8. Cuộc chiến phát nội dung trực tuyến
Lời tuyên ngôn vững vàng "nội dung là vua" (content is king) của tỷ phú Bill Gates cách đây hơn 20 năm trước đến hiện tại thực sự trở thành xu hướng thịnh hành trong thời đại streaming. Và cụ thể hơn, phải là ý tưởng kịch bản gốc (original). Chính những ý tưởng kịch bản gốc (original) và sở hữu trí tuệ với những phim hay series phim ăn khách mới là thứ vũ khí lợi hại nhất của các nền tảng xem video trực tuyến.
Hay hàng loạt series phim siêu anh hùng và các phim hoạt hình không thể bỏ lỡ của nhà chuột Mickey sẽ không thể xem ở đâu khác ngoài Disney +. Dường như lường trước được tương lai, kẻ tiên phong trong lĩnh vực streaming là Netflix đã có kế hoạch từ trước.
Theo CNBC, Netflix đã đàm phán vay 2 tỷ USD vào tháng 10/2019 để có tiền sản xuất nội dung. Chưa kể Netflix cũng tốn 1 khoản kha khá cho việc giữ kho phim của mình đa dạng. Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng các nền tảng khác cũng không ngần ngại móc hầu bao để bắt kịp Netflix. Theo Financial times, chi phí sản xuất cho Apple TV + đã lên tới 6 tỷ USD, trong đó có hàng trăm triệu USD để mời các ngôi sao màn bạc tham gia như Jennifer Aniston, Reese witherspoon…
9. Khủng hoảng thịt lợn
2019 là năm người dân Trung Quốc chứng kiến biết bao câu chuyện "dở khóc dở cười" với thịt lợn. Để đối phó với khủng hoảng thịt lợn, Chính phủ Trung Quốc đã 4 lần xả kho dự trữ, tăng cường nhập khẩu, khuyến khích tăng đàn và trợ giá thịt lợn bằng những tấm tem phiếu như thời bao cấp. Còn các nhà sản xuất đua nhau nhân giống lợn siêu to như những con gấu bắc cực.
10. Biến đổi khí hậu gây thiệt hại kinh tế
Năm 2019 là năm của những trận bão lũ, ngập lụt và mực nước biển dâng. Dòng nước này có thể nhấn chìm hàng trăm tỷ USD từ nhiều lĩnh vực kinh doanh. Đối với Tập đoàn sản xuất đồ điện tử Hitachi của Nhật Bản, lũ lụt sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng từ đó trì trệ sản xuất. Còn đối với các công ty mạng viễn thông như AT&T còn gì đáng sợ hơn là cả hệ thống đường truyền có thể bị "ngâm" trong nước. Ước tính cơ sở hạ tầng Mỹ đã thiệt hại hơn 300 tỷ USD trong năm 2017 vì bão lũ.
Đối với những gã khổng lồ công nghệ có kho dữ liệu đồ sộ như Google thì chi phí để hạ nhiệt các trung tâm dữ liệu sẽ tăng lên đáng kể do thời tiết nóng lên toàn cầu. Còn các công ty bảo hiểm thì hoàn toàn có thể sạt nghiệp vì cháy rừng. PG&E đã phải đệ đơn xin phá sản sau vụ cháy rừng thảm khốc mùa thu năm nay và vẫn còn cõng nợ 30 tỷ USD. Nếu nhiệt độ cứ tiếp tục tăng cao, thì ước tính nước Mỹ sẽ mất 520 tỷ USD mỗi năm
Hơn lúc nào hết, đây là lúc để các doanh nghiệp thay đổi hướng phát triển. Nhiều công ty tập trung vào mảng năng lượng sạch, xây dựng các tòa nhà xanh, sản xuất xe hybrid, xe điện. Thậm chí "Thân thiện với môi trường" dường như trở thành "thương hiệu" đắt giá mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng ao ước.
Thành công của hãng sản xuất thịt thực vật Beyond Meat cũng chính nhờ thương hiệu này. Cổ phiếu tăng vọt 600% sau khi chào sàn và mở màn cho xu hướng thịt giả lan rộng toàn cầu. Thị trường dành cho các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường có thể đạt ngưỡng 2.000 tỷ USD. Dù vậy, có những sự đánh đổi khi đã mất đi sẽ vĩnh viễn không thể lấy lại được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!