120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế trong tuần cuối tháng 9

Chí Sơn, Linh Thủy-Thứ sáu, ngày 06/10/2023 21:30 GMT+7

VTV.vn - Trong tuần cuối tháng 9 vừa qua, hơn 120.000 tỷ đồng đã được hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế, đưa tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 6,2%.

Dù vẫn còn xa so với kế hoạch khoảng 14% cả năm, nhưng quý IV cũng là thời điểm nhu cầu về vốn, tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng cao.

Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hà Lan có hàng trăm đầu xe vận tải hành khách. Doanh nghiệp đã có thời điểm lâm vào tình cảnh chết lâm sàng, không hoạt động, vì dịch bệnh. Tuy nhiên hiện, doanh nghiệp đã vực dậy được 70% công suất, nhờ đã đầu tư một nguồn lực lớn để tái thiết hầu như toàn bộ phương tiện và quy trình hoạt động. Sự hồi sinh của doanh nghiệp một phần lớn nhờ từ nguồn lực vay ngân hàng.

"Chúng tôi đã 2 lần được giảm lãi suất. Lần 1 là 2%, lần 2 là 0,5 - 1%. Mỗi tháng dôi dư khoảng gần 200 triều đồng", bà Nguyễn Thị Thảo, Phó tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hà Lan, cho biết.

Nhiều ngân hàng cũng đang có kế hoạch tập trung nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng cuối năm. Những ngành, nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu... sẽ được ưu đãi cả về hạn mức và lãi suất.

120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế trong tuần cuối tháng 9 - Ảnh 1.

Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, từ nay đến cuối năm, vẫn còn khoảng 900.000 tỷ đồng cần được giải ngân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Từ nay đến cuối năm, chúng tôi dành gói ưu đãi 6.000 tỷ đồng với lãi suất 6,97%/năm để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Mức lãi suất này đã giảm hơn 3% so với đầu năm", bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SHB, cho hay.

"Chúng tôi sẽ tập trung cho khách hàng sản xuất, đặc biệt là một số ngành sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Tienphongbank, thông tin.

Dù tín dụng đã có tín hiệu nhích tăng và cuối năm là thời điểm để tín dụng có triển vọng tăng trưởng cao, nhưng để tín dụng thực sự thông suốt, 2 nút thắt cần phải được tháo gỡ: một là thị trường, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, hai là lãi suất cho vay cần được giảm hơn nữa.

"Lãi suất đầu vào đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên lãi suất cho vay vẫn chưa giảm đồng pha với đầu vào. Chúng ta cần thêm một thời gian nữa để lãi suất đầu ra giảm về một mặt bằng thích hợp để kích thích nhu cầu tín dụng", bà Nguyễn Thị Khánh Huyền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Cổ phần chứng khoán MB, nhận định.

Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, từ nay đến cuối năm, vẫn còn khoảng 900.000 tỷ đồng cần được giải ngân. Để khoản tiền này không phải là tiền treo, chính các ngân hàng cũng cần phải thúc đẩy giải ngân và chính các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh để hấp thụ được nguồn vốn này.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng

VTV.vn - Đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước