"Không phải dịch chuyển mà là mở rộng chuỗi cung ứng. Không phải các doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất này từ chỗ nọ sang chỗ kia. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau", ông Takeo Nakajima nhấn mạnh tại buổi họp báo thông tin về việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam chiều nay (23/7).
ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)
Để làm rõ hơn về điều này, ông Takeo Nakajima lấy ví dụ: "Trước kia tôi sản xuất 100 cái ở nước A. Nay tôi mang việc sản xuất 100 cái đó sang nước B. Đây là dịch chuyển sản xuất. Điều này không nằm trong đối tượng của chương trình hỗ trợ này".
"Mục đích của chương trình này là mở rộng chuỗi cung ứng, hay đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Không phải là việc chuyển sản xuất từ nước này sang nước kia", ông Takeo Nakajima lấy nhấn mạnh.
Mỗi doanh nghiệp Nhật được hỗ trợ tối đa 5 tỷ yên khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Ông Takeo Nakajima cho biết, trong lần xét tuyển đầu tiên của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố hôm 17/7, trong số 124 doanh nghiệp ứng tuyển, 30 doanh nghiệp đã được lựa chọn hỗ trợ mở rộng sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang ASEAN. Trong đó, 15 doanh nghiệp lựa chọn đăng ký mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tại đây, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 5 tỷ Yên (tương đương 1.081 tỷ đồng) khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tỷ lệ hỗ trợ phụ thuộc vào quy mô từng dự án.
Mỗi doanh nghiệp Nhật được hỗ trợ tối đa 5 tỷ yên khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Theo ông Takeo Nakajima, thời điểm để bắt đầu mỗi doanh nghiệp triển khai các dự án là khác nhau. Nhưng có quy đinh thời điểm phải kết thúc triển khai dự án là vào tháng 3/2025. Đáng chú ý với một số doanh trong lĩnh vực y tế (sản xuất khẩu trang, thuốc khử khuẩn…) phải kết thúc trước 2 năm – tức tháng 3/2023). Các doanh nghiệp phải xây dựng một kế hoạch chi tiết, sau đó triển khai đầu tư, bắt đầu sản xuất, và phải được kiểm tra của Meti và Jetro.
"Tôi biết một số doanh nghiệp đã bắt đầu khởi động triển khai dự án này", ông Takeo Nakajima cho biết.
Nếu quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ không được hưởng chính sách trợ cấp này nữa dù vẫn đầu tư tại Việt Nam hay không.
Cách đây ít ngày theo nguồn tin từ Bloomberg, Bộ Kinh tế, Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản đã công bố danh sách 57 công ty được nhận hỗ trợ 57,4 tỷ JPY, tương đương 536 triệu USD trong khuôn khổ chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng sản xuất. Trong số 30 công ty đăng ký mở rộng đầu tư sang ASEAN có 15 doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!