Việt Nam đón sóng đầu tư Nhật Bản: Đừng để chỉ là "làn sóng" đầu tư nhỏ

VTV Digital-Thứ tư, ngày 22/07/2020 06:04 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận 4 làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sau khi khống chế được dịch COVID-19.

15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được Chính phủ nước này hỗ trợ để dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, đa phần là doanh nghiệp thiết bị y tế, còn lại là chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa, hay module điện. Đây là chủ trương của Chính phủ Nhật Bản trong dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư bền vững tại Việt Nam

Hiện Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về vốn đăng ký đầu tư FDI tại Việt Nam với trên 60 tỷ USD và đứng quán quân về tỷ lệ giải ngân. Với tầm nhìn đầu tư dài hạn, đưa công nghệ sản xuất tiên tiến đi cùng dự án, những nhà đầu tư từ đất nước mặt trời mọc đang là hình mẫu cho nguồn vốn FDI chất lượng cao mà Việt Nam đang định hướng thu hút theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Khu công nghiệp Thăng Long II là điểm sáng thu hút gần 100 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng số vốn hơn 2,5 tỷ USD, phần lớn đều là những dự án công nghệ cao. Các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhìn thấy những yếu tố thuận lợi từ thị trường và môi trường đầu tư, năm 2018, nhà máy sản xuất điều hoà hiện đại nhất của Daikin toàn cầu với số vốn đầu tư 72 triệu USD đã đi vào vận hành. Tiên phong ứng dụng công nghệ IoT vào quản lý sản xuất, toàn bộ dữ liệu sản xuất liên tục được lưu trữ và tự động cập nhật, nhằm xử lý lỗi, không để sản phẩm sai sót đến khách hàng.

Việt Nam đón sóng đầu tư Nhật Bản: Đừng để chỉ là làn sóng đầu tư nhỏ - Ảnh 1.

Ông Ogami Noriyoshi, Phó Tổng Giám đốc Daikin Việt Nam, cho biết: "Chính sách cơ bản của chúng tôi là sản phẩm bán ra ở quốc gia nào thì sẽ được sản xuất ngay tại quốc gia đó, thị trường Việt Nam đã đủ quy mô để mở nhà máy. Chúng tôi luôn cố gắng trong khả năng có thể nội địa hoá các linh kiện sử dụng, tăng số lượng các nhà cung cấp Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển".

Khảo sát của JETRO cho thấy, có đến 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á, châu Đại Dương.

Ông Aguin Tooru, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), nói: "Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đang nộp đơn xin hỗ trợ hướng dẫn đầu tư tại Việt Nam đã ở mức trên 100 doanh nghiệp. Ngân hàng chúng tôi dự kiến tiếp tục tăng nguồn ngân sách để hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản dịch chuyển vào Việt Nam".

Mới đây, lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của hơn 1000 doanh nghiệp Nhật Bản từ các điểm cầu tại Nhật Bản và trên khắp thế giới, thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam. Trong thời gian tới, khi hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và liên minh châu âu được thực thi, đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng thị trường, và càng củng cố hơn sức hút của miền đất lành Việt Nam với các nhà đầu tư khắt khe nhưng bền vững, lâu dài Nhật Bản.

Doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để dịch chuyển sản xuất: Đừng để chỉ là "làn sóng" đầu tư nhỏ

Theo JETRO, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận 4 làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sau khi khống chế được dịch Covid-19. Mừng nhưng cũng lo là cảm nhận chung của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia trước thông tin 15 doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm dịch chuyển sản xuất tại Đông Nam Á bởi tận dụng tốt, đây sẽ là những đợt sóng đầu tư nhỏ trước đợt sóng lớn còn nếu Việt Nam không biết nắm bắt, đây sẽ chỉ là một chương trình thí điểm.

Việt Nam đón sóng đầu tư Nhật Bản: Đừng để chỉ là làn sóng đầu tư nhỏ - Ảnh 2.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: "Muốn đón nhận làn sóng đầu tư, cần 1 đội ngũ lao động có tay nghề kĩ năng. Việt Nam mặc dù lao động đông nhưng trình độ tại các ngành có kĩ năng cao chưa đáp ứng được. Chúng ta cần các chương trình cấp tập nâng cao tay nghề người lao động với sự hợp tác của các tập đoàn quốc tế để đón sóng đầu tư mới".

Bên cạnh đó, để tạo môi trường kinh doanh thân thiện với vốn nước ngoài, nhiều thể chế, thủ tục kinh doanh cũng cần phải được tiếp tục cắt giảm. Phát triển khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng logistic cũng cần xác định trọng tâm.

Với đối tác kinh doanh quốc tế nào, chữ "Tín" cũng quan trọng nhưng theo PGS, TS. Vũ Hoàng Nam, Giảng viên Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Ngoại thương, người đã có kinh nghiệm 15 năm nghiên cứu và làm việc với Nhật Bản, xây dựng niềm tin với người Nhật sẽ cần nhiều thời gian hơn.

PGS, TS. Vũ Hoàng Nam cho biết: "Một số doanh nghiệp Việt Nam làm tốt đã trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện nhưng vẫn có những doanh nghiệp chưa đủ kiên nhẫn xây dựng lòng tin với doanh nghiệp Nhật Bản. Việc xây dựng niềm tin, chữ Tín mất rất nhiều thời gian với họ, không làm được, Việt Nam lại đón 1 làn sóng đầu tư mà không tận dụng hết để phát triển bền vững".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước