"2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng" săn vốn FDI

Thùy An-Thứ ba, ngày 28/09/2021 12:12 GMT+7

VTV.vn - Các nhà đầu tư nước ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa trở lại, cũng như việc đảm bảo không gián đoạn sản xuất.

Khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời

Tại Tọa đàm "COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết tình hình sản xuất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư.

Theo bà Ngọc, đại dịch COVID-19 đang tác động hết sức tiêu cực đến khu vực FDI, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã đánh trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI. Khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động.

2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng săn vốn FDI - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng những khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam chỉ mang tính nhất thời

Đứng trước thách thức đó, trên quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

"Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng săn vốn FDI - Ảnh 2.

"2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng"

Thảo luận tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã nêu những kinh nghiệm trong việc thu hút vốn FDI.

"Với 20,4 tỷ USD vốn FDI từ 37 quốc gia, Bắc Ninh là một trong những địa phương thu hút nhà nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Và "2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng" là mô hình được Bắc Ninh áp dụng để thu hút vốn FDI", ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng săn vốn FDI - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn

Trong đó "2 ít" là ít đất, ít dùng lao động vì đặc điểm Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất. Do đó, Bắc Ninh tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động.

Với "3 cao", Bắc Ninh tập trung vào suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan toả dự án. Hai là công nghệ cao, tỉnh đặt mục tiêu ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, gắn với giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Ba là hiệu quả cao, Bắc Ninh tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Còn với "4 sẵn sàng", Bắc Ninh tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất. Hai là sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba là sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật. Bốn là sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn.

Mô hình "2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng" để thu hút vốn FDI

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn

"Tổng vốn đầu tư, cơ cấu tỷ trọng đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ chiếm tới 86% tổng vốn FDI. Vì vậy, Bắc Ninh vươn lên là địa phương phát triển công nghệ đứng đầu toàn quốc, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2, thu hút đầu tư đứng thứ 6", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết.

Trong khi đó tại Đồng Nai – một trong những địa phương có lượng lớn dòng vốn FDI khác, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Hoàng cho biết hằng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng các kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài tại các thị trường tiềm năng và nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu đến Đồng Nai.

2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng săn vốn FDI - Ảnh 5.

Tiếp xúc và lắng nghe là điều rất quan trọng trong việc thu hút cũng như giữ chân các doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai

Theo bà Hoàng, việc tiếp xúc và lắng nghe là điều rất quan trọng trong việc thu hút cũng như giữ chân các doanh nghiệp FDI.

"Trong năm 2021, từ tháng 4 đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, tất cả những việc để xúc tiến đầu tư nước ngoài của tỉnh Đồng Nai cũng bị dừng lại. Tuy nhiên, chúng tôi kết nối với các nhà đầu tư đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tiếp tục gặp gỡ họ", Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết.

Tại Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đầu tư thu hút, cấp mới tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 88% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó cấp mới 42 dự án với tổng vốn đăng ký tăng 50,1% so với cùng kỳ và đạt 62,7% so với kế hoạch năm 2021.

Tiếp xúc và lắng nghe là điều rất quan trọng

Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng

Tiếp tục đặt niềm tin lớn vào Việt Nam

Về phía các doanh nghiệp, tại buổi tọa đàm, đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho nhấn mạnh, không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.

"Gần đây có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài", ông Choi Joo Ho nhận định.

2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng săn vốn FDI - Ảnh 7.

Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho

Ngoài các nhà máy hiện tại, ông Choi Joo Ho cho biết công ty đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển riêng Samsung tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Hiện dự án đã hoàn thành tiến độ trên 50%, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob đánh giá Việt Nam đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với vai trò là điểm đến đầu tư trong tầm nhìn dài hạn và bền vững thông qua các yếu tố: Nền chính trị ổn định và linh hoạt, vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động trẻ dồi dào và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.

Bất chấp tác động từ COVID-19, ông Binu Jacob cho biết Nestlé Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư 132 triệu USD trong hai năm để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Australia.

"Với tầm nhìn trên, nhà máy Nescafé Trị An đặt tại Đồng Nai sẽ trở thành một trong những nhà máy cà phê lớn nhất trên thế giới chuyên cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường các nước phát triển, có thể kể là Nhật, các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu", ông Binu Jacob cho biết.

Hành động ngay, vaccine là then chốt

Góp ý về những đề xuất khi mà nền kinh tế Việt Nam dần mở cửa trở lại, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho rằng sản xuất ngay bây giờ cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái "bình thường mới" đi cùng với kế hoạch rõ ràng và thời gian cụ thể.

"Để duy trì vị thế cạnh tranh trên khu vực cũng như trên toàn cầu thì chúng ta cần hành động ngay bây giờ. Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện", ông Binu Jacob nhấn mạnh.

Và trong quá trình này, vaccine là yếu tố then chốt để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.

2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng săn vốn FDI - Ảnh 8.

Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob

Về phía Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho cho rằng việc duy trì mạng cung ứng toàn cầu của các khu công nghiệp là yếu tố thiết yếu vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp đang vận hành các nhà máy sản xuất. Do đó, việc xây dựng chế độ bảo đảm "sản xuất không gián đoạn" trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều rất cấp thiết.

"Chúng tôi xin được đề xuất dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào thì dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không dừng hoạt động và vẫn vận hành theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn", Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh đề xuất.

Cần xây dựng chế độ bảo đảm "sản xuất không gián đoạn" trong bất cứ hoàn cảnh nào

Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho

Ông Choi Joo Ho cũng cho rằng nếu các tỉnh nơi tập trung chủ yếu các khu công nghiệp có thể thống nhất được một phương châm chuẩn về phòng dịch để việc lưu thông vận chuyển người và hàng hóa được diễn ra thuận lợi thì có thể giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống bất thường như dịch bệnh COVID-19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước