2022 - Năm thê thảm của giới tỷ phú thế giới: 1.400 tỷ USD bị xóa sạch

Theo Dân trí-Thứ bảy, ngày 31/12/2022 11:01 GMT+7

VTV.vn - Với nhiều người giàu, 2022 thực sự là 1 năm tồi tệ. Gần 1.400 tỷ USD giá trị tài sản ròng của top 500 tỷ phú trong bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg đã bị xóa sổ.

Không những thế, 2022 còn là năm xảy ra nhiều rắc rối của đối với giới tỷ phú, đó là vụ lừa đảo của tỷ phú tiền điện tử một thời Sam Bankman-Fried hay cuộc chiến ở Ukraine kéo theo những đòn trừng phạt nhằm vào một số tỷ phú của nước này. Ngoài ra còn có những rắc rối liên quan đến thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk, người đã mất 138 tỷ USD trong năm nay.

Tất cả những điều đó cùng với lạm phát lan rộng và lãi suất tăng mạnh đã khiến 2022 trở thành năm mất mát của nhiều tỷ phú vốn chứng kiến tài sản tăng vọt trong thời đại dịch. Từ tỷ phú Musk, ông chủ Amazon Jeff Bezos, người sáng lập sàn giao dịch điện tử Binance Zhao Changpeng cho đến CEO Meta Mark Zuckerberg đều chứng kiến tài sản hao hụt nhanh chóng. Theo Bloomberg, tổng giá trị tài sản bị bốc hơi của các tỷ phú này lên khoảng 392 tỷ USD.

2022 - Năm thê thảm của giới tỷ phú thế giới: 1.400 tỷ USD bị xóa sạch - Ảnh 1.

Tuy nhiên, vẫn có một số tỷ phú đi ngược với số đông khi trở nên giàu hơn trong năm đầy biến động này. Ông trùm hạ tầng Ấn Độ Gautam Adani đã vượt qua nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và huyền thoại đầu tư Warren Buffett về giá trị tài sản. Ngoài ra, một số gia tộc giàu nhất thế giới như gia tộc Kochs hay gia tộc Mars cũng gia tăng về tài sản.

Cùng nhìn lại một năm đầy biến động của giới tỷ phú thế giới theo từng tháng do Bloomberg liệt kê dưới đây.

Tháng 1: Những dấu hiệu cảnh báo

Ngày 27/1, sau khi nhà sản xuất ô tô điện Tesla cảnh báo về những thách thức liên quan đến nguồn cung, giá trị tài sản của tỷ phú Elon Musk, cũng là người giàu nhất thế giới lúc đó, đã "bốc hơi" 25,8 tỷ USD chỉ trong một ngày. Đây là mức giảm trong ngày lớn thứ 4 trong lịch sử của chỉ số Bloomberg, báo trước một năm khó khăn của ông Musk.

Tháng 2: Giới tài phiệt Nga mất của

Những người giàu nhất nước Nga đã mất tổng cộng 46,6 tỷ USD trong ngày 24/2, ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Một thời gian ngắn sau đó, giới chức phương Tây đã áp một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các nhà tài phiệt Nga và các công ty của họ khiến họ không thể tiếp tục kiểm soát tài sản của họ ở phương Tây. Ví như ông trùm Nga Roman Abramovich phải bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea.

Giới nhà giàu Nga tiếp tục mất thêm 47 tỷ USD nữa trong năm 2022 khi cuộc chiến tiếp tục leo thang.

Tháng 3: Vận may của giới tỷ phú Trung Quốc biến mất

Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày càng đi xuống, thổi bay 64,6 tỷ USD tài sản của những người giàu nhất nước này trong ngày 14/3.

Họ tiếp tục mất thêm 164 tỷ USD trong năm nay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản lao dốc, ngành công nghệ bị giám sát chặt hơn và căng thẳng thương mại với Mỹ kìm hãm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tháng 4: Nước cờ Twitter của tỷ phú Elon Musk

Ngay sau khi tiết lộ sở hữu 9,1% cổ phần tại Twitter, ngày 14/4, tỷ phú Musk đã đề nghị mua lại công ty này với mức định giá 44 tỷ USD.

Để tài trợ cho thương vụ này, ban đầu ông dự định vay hàng tỷ USD, thế chấp cổ phiếu Tesla và huy động 21 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, khi thị trường trở nên xấu đi trong những tháng sau đó, ông Musk đã muốn hủy thương vụ này. Tuy nhiên, đến tháng 10, thương vụ này đã được hoàn tất và tại thời điểm đó, tài sản của ông Musk đã giảm 39 tỷ USD so với thời điểm ông đưa ra đề nghị mua lại Twitter.

Tháng 5: Tỷ phú Boehly mua Chelsea

Một nhóm do tỷ phú tài chính Todd Boehly đứng đầu đã chiến thắng trong vụ đấu thầu mua đội bóng Chelsea với giá 4,25 tỷ bảng Anh. Đây là mức giá cao nhất được trả cho một đội thể thao. Vụ đấu giá mua Chelsea kéo dài hơn 2 tháng, thu hút hơn 100 nhà thầu từ khắp nơi trên thế giới.

Tháng 7: Gia tộc Waltons mua đội bóng Broncos

Ông Rob Walton, người thừa kế đế chế Walmart, đã đồng ý mua lại đội bóng bầu dục Mỹ Denver Broncos với giá 4,65 tỷ USD, lập mức kỷ lục đối với một đội thể thao của Mỹ.

Tháng 8: Năm lao đao của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc

Bà Yang Huiyan mất danh hiệu người giàu nhất châu Á sau khi tài sản của bà giảm hơn một nửa trong 7 tháng cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc diễn ra. Trong những năm gần đây,

Country Garden Holdings, mà bà Yang được thừa kế, đã hưởng lợi từ việc xây dựng nhà cửa. Nhưng khi chính phủ Trung Quốc kiểm soát lĩnh vực này nhằm hạ nhiệt giá nhà đã khiến các dự án bị đình trệ, khiến người mua nhà tẩy chay thanh toán thế chấp. Hiện cổ phiếu của hãng này vẫn chưa phục hồi.

Tháng 8: Tỷ phú Adani thăng hoa

Khi thế giới bị xáo trộn bởi cuộc chiến ở Ukraine, ông Gautam Adani, ông trùm ngành than Ấn Độ, đã lần lượt vượt qua tỷ phú Bill Gates, ông chủ LVMH Bernard Arnault để trở thành người giàu thứ 3 thế giới vào cuối tháng 8. Đây là xếp hạng cao nhất của một tỷ phú người châu Á. Thậm chí, trong tháng 9, có thời điểm trong ngày tài sản của ông còn vượt qua cả tỷ phú Jeff Bezos, người giàu thứ 2 thế giới.

Tháng 9: Tài sản của ông chủ Facebook bị bốc hơi

Trong một năm khó khăn với các ông trùm công nghệ Mỹ, khoản lỗ của tỷ phú Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook, cũng nổi trội hơn cả.

Tính đến giữa tháng 9, tài sản ròng của tỷ phú này đã giảm 71 tỷ USD so với hồi đầu năm, tương đương mất 57% giá trị, sau khi Zuckerberg chuyển hướng sang lĩnh vực vũ trụ ảo (metaverse) đầy tốn kém và sự suy thoái toàn ngành đã kéo giá cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, đi xuống.

Tính đến hết năm 2022, ông chủ Facebook đã rơi 19 hạng trong bảng xếp hạng tài sản của Bloomberg, kết thúc năm 2022 ở vị trí giàu thứ 25, mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Tháng 10: Cú sụp của các tỷ phú hưởng lợi nhờ COVID-19

Bong bóng của nền kinh tế COVID-19 đang nhanh chóng xì hơi. Theo đó, tài sản của những tỷ phú hưởng lợi nhờ vaccine như ông Stephane Bancel của Moderna hay mua sắm trực tuyến như ông Bom Kim của Coupang và hội nghị video trực tuyến như Eric Yuan của Zoom… cũng giảm mạnh.

58 tỷ phú giàu lên nhanh chóng từ những ngành công nghiệp đại dịch đã chứng kiến tài sản của họ giảm trung bình 58% so với mức đỉnh, lớn hơn so với mức giảm của các ngành khác trong chỉ số theo dõi của Bloomberg.

Tháng 11: Từ 16 tỷ USD về 0

Sàn giao dịch điện tử FTX sụp đổ khiến cho khối tài sản trị giá 16 tỷ USD của người sáng lập Sam Bankman-Fried bị xóa sạch chỉ trong chưa đầy một tuần. Thời đỉnh cao, tài sản của người đàn ông 30 tuổi này có lúc lên đến 26 tỷ USD. Hơn 1 triệu khách hàng đang lo lắng không biết họ có thể lấy lại được tiền hay không.

Trong khi đó, một tỷ phú tiền điện tử khác là Zhao Changpeng của Binance cũng chứng kiến khối tài sản ròng giảm 84 tỷ USD trong năm nay.

Tháng 12: Tỷ phú Musk bị truất ngôi giàu nhất

Đầu tháng 12, tỷ phú Elon Musk đã chính thức mất ngôi người giàu nhất thế giới về tay ông trùm hàng hiệu Pháp Bernard Arnault.

Mặc dù tài sản của ông Arnault trong năm 2022 cũng giảm 16 tỷ USD song nếu so với mức giảm 138 tỷ USD của ông Musk thì không thấm vào đâu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước