28 nước châu Âu mất 60 tỷ Euro mỗi năm do nạn hàng giả

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 11/06/2018 10:32 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo được công bố mới đây của Ủy ban châu Âu, cứ 10 người dân châu Âu, thì có một đã mua phải hàng giả trong khoảng thời gian 12 tháng trước đó.

Các nước châu Âu vẫn chưa có cách nào hữu hiệu ngăn chặn hàng giả trên lãnh thổ châu Âu. Tờ Jornal de Notícias của Bồ Đào Nha trích báo cáo của Cơ quan Sở hữu trí tuệ thuộc Ủy ban châu Âu, cho biết có 13 nhóm sản phẩm thường bị làm giả trên thị trường châu Âu. Trong đó 5 sản phẩm gây thiệt hại nhiều nhất cho kinh tế châu Âu là quần áo, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, điện thoại di động và các loại rượu. Giá trị hàng giả tương đương tới 7,5% tổng giá trị tất cả các loại hàng hóa ở châu Âu, một tỷ lệ cao tới mức báo động.

Hàng giả gây thiệt hại cho hầu hết các khía cạnh của nền kinh tế. Theo tờ Corriere della Sera của Italy, 28 nước thành viên châu Âu mất tới 60 tỷ Euro mỗi năm do nạn hàng giả. Hàng giả đã chiếm tới 7,5% thị phần, nên các nhà máy ở châu Âu buộc phải sản xuất ít hơn tương ứng so với khi không có hàng giả. Theo bài báo, hậu quả là làm mất đi 434.000 việc làm trên toàn lãnh thổ châu Âu.

Tờ Kronen Zeitung ra tại Áo cho biết, nguồn gốc hàng giả chủ yếu từ châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trung Quốc đứng đầu trong hầu hết chủng loại hàng giả phát hiện được ở châu Âu: thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử, chỉ trừ dược phẩm giả thì Trung Quốc phải chịu nhường vị trí đứng đầu cho Ấn Độ. Các container hàng giả từ Trung Quốc thường được vận chuyển tới các nước có biên giới với Liên minh châu Âu, như Maroc hay Ukraine.

Theo tờ Le Soir của Bỉ, các băng nhóm buôn lậu hàng giả có 3 thủ đoạn chính. Thứ nhất là chia nhỏ lượng hàng sẽ tuồn vào châu Âu thành nhiều hộp nhỏ tại các điểm trung chuyển chính, như: Albanie, Maroc, Ukraine hay Thổ Nhĩ Kỳ và gửi qua đường bưu điện. Thủ đoạn thứ hai là tuồn riêng rẽ từ châu Á các nguyên liệu khác nhau, rồi ráp nối thành sản phẩm cuối ngay trong lãnh thổ châu Âu, cách này liên quan nhiều tới mỹ phẩm và rượu champagne. Cách thứ ba là che giấu xuất xứ. Bài báo viết: "Các nhóm làm hàng giả thường chọn các khu chế xuất, có tới 3.000 khu chế xuất trên toàn thế giới, tại đó luật lệ lỏng lẻo và hầu như không có kiểm tra, có sản xuất hàng giả cũng ít bị phát hiện". Theo bài báo, châu Âu có phát hiện ra bánh kẹo giả sản xuất tại Việt Nam, thế nhưng không nói rõ là có phải do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hay không.

75 thị phần mỹ phẩm là hàng nhập lậu, hàng giả 75 thị phần mỹ phẩm là hàng nhập lậu, hàng giả

VTV.vn - Theo đại diện thương hiệu L'Oréal, 75% thị phần mỹ phẩm là hàng nhập lậu và hàng giả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước