Từ việc lắp ráp, vận hành những cỗ máy hạng nặng, cho tới phục vụ quán ăn nhanh hay chăm sóc bệnh nhân… dường như trí tuệ nhân tạo đang hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực lao động và có thể sẽ cạnh tranh với lao động con người.
Theo Goldman Sachs, tại Mỹ và châu Âu, 2/3 công việc có thể được tự động hóa ở một mức độ nào đó. Họ cũng nhấn mạnh, việc sử dụng công nghệ AI cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động và tăng GDP toàn cầu lên tới 7% trong 10 năm tới.
AI có thể tác động đến 300 triệu việc làm toàn thế giới. Ảnh minh họa.
Báo cáo cho biết các công việc hỗ trợ hành chính và văn phòng có thể được tự động hóa cao nhất với tỉ lệ lên đến 46%, tiếp theo là các vị trí về pháp lý (44%) và 37% cho các công việc liên quan đến kiến trúc và kỹ thuật.
Ông Chris Stokel-Walker - Phóng viên công nghệ của The Guardian cho biết: "Đã có những công ty luật tại Anh sử dụng công cụ giống như ChatGPT để soạn thảo những văn bản pháp lý cơ bản. Mọi người so sánh những công cụ AI này như thể là một thực tập sinh của công ty vậy, không hẳn là đã thạo việc như những người làm lâu năm, nhưng cũng nắm bắt khá tốt được công việc của mình".
Khi nhân lên quy mô toàn cầu, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo rằng có tới 300 triệu việc làm toàn thời gian có thể bị mất vào tay trí tuệ nhân tạo và Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Nhật Bản, Thụy Điển, Mỹ, Vương quốc Anh là những quốc gia và khu vực có ngành nhân lực chịu tác động lớn nhất từ sự phát triển của AI.
Trong khi đó, nhân lực của Ấn Độ, Kenya, Việt Nam, Trung Quốc đại lục, Nigeria, Thái Lan ít có khả năng bị AI thay thế nhất, với tỉ lệ từ 15% trở xuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!