300.000 tấn thanh long “tắc” đầu ra

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 07/01/2022 14:26 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, một lượng hàng hóa nông sản chuẩn bị cho thị trường Tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa thu hoạch, trong đó có đến 300.000 tấn thanh long chưa tìm được đầu ra.

Tình trạng xe chở nông sản xuất khẩu ùn ứ tại các cửa khẩu ở phía Bắc kéo dài suốt nhiều tuần. Tới nay tuy có giảm bớt, nhưng vẫn còn hàng nghìn xe bị tắc ở đây, đặc biệt là sản phẩm rau quả. Hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.

Trong ngày 5/1, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu.

Trong khi đó, một lượng hàng hóa nông sản rau quả chuẩn bị cho thị trường Tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch, trong đó riêng thanh long có đến 300.000 tấn chưa tìm được đầu ra.

Ngày 6/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 cùng Sở NN&PTNT các tỉnh thành phố tổ chức diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long để đưa ra các giải pháp, thúc đẩy kết nối cung cầu.

300.000 tấn thanh long “tắc” đầu ra - Ảnh 1.

Hiện sản lượng thanh long của tỉnh Long An còn khoảng 20.000 tấn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo Cục Trồng trọt, hiện sản lượng thanh long của tỉnh Long An còn khoảng 20.000 tấn, tỉnh Bình Thuận dự kiến từ nay đến hết tháng 2 sẽ thu hoạch khoảng 120.000 tấn. Trong khi phía bạn tạm ngừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam qua các cửa khẩu phía Bắc đến ngày 26/1.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết thực thi, các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, vì vậy cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung và sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

Thị trường truyền thống là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu thanh long trong năm qua đạt hơn 990 triệu USD, nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị có thể xuất khẩu bằng đường biển; đồng thời Bộ NN&PTNT đàm phán mở cửa thị trường, bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cần thay đổi tư duy, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường

Ngoài thanh long, nhiều loại nông sản khác như: chuối, mít, xoài, chanh leo đang vào mùa thu hoạch tại nhiều địa phương cũng đang gặp khó khi không xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc.

Sở NN&PTNT nhiều địa phương cho biết, đây là một áp lực rất lớn đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, giá thanh long cũng đang giảm.

Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu năm 2022 đã có những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tiên đứng ra thu mua hỗ trợ người nông dân, giúp giảm thiểu rủi ro cho bà con và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Còn tại diễn đàn kết nối ngày 6/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao, chính vì vậy chúng ta cần xác định phải nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, bà con cũng cần thay đổi tư duy quá phụ thuộc vào một thị trường sang tư duy đa dạng thị trường xuất khẩu.

"Chúng ta cần chuyển đổi tư duy, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, phải đa dạng thị trường, chuẩn bị một diễn đàn kết nối với các tham tán ở châu Âu để thúc đẩy nông sản sang thị trường này. Chúng ta phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các tập đoàn bán lẻ. Cũng mong các tập đoàn có các chương trình ưu tiên, quảng bá thu mua nông sản để phục vụ cho dịp Tết này", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Giải quyết ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc

Khoảng 90% hàng nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc được đi theo đường tiểu ngạch, khiến việc xuất khẩu luôn đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chiến lược Zero COVID-19, rủi ro này càng cao hơn. Đây là nội dung được quan tâm trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh với đoàn công tác của Bộ Công thương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản bị ùn tắc tại cửa khẩu các tỉnh phía Bắc.

300.000 tấn thanh long “tắc” đầu ra - Ảnh 2.

Xe container xếp hàng dài đợi thông quan tại cửa khẩu Móng Cái. (Ảnh: TTXVN)

Theo UBND thành phố Móng Cái, đây đã là lần thứ 7 phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong năm để thực hiện chiến lược chiến lược Zero COVID-19. Vì các lần trước phía Trung Quốc chỉ giảm số lượng các cửa khẩu được thông quan, nên lượng nông sản bị ùn tắc không quá nghiêm trọng so với lần này. UBND thành phố Móng Cái đề xuất nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến là giải pháp lâu dài cho nông sản Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ tập trung để xây dựng các trung tâm, đầu tư trung tâm dịch vụ, nông sản, logistics để đảm bảo tiêu chuẩn xuất nhập khẩu", ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, Quảng Ninh, cho biết.

Ngoài các biện pháp dài hạn, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho lái xe và doanh nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các Đồn Biên phòng cung cấp nhu yếu phẩm cũng như thực hiện giảm phí lưu bãi.

"Chúng tôi hỗ trợ mì tôm, nước uống cho các lái xe đường dài. Ngoài ra, chúng tôi cũng giảm phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp và lái xe", ông Nguyễn Hữu Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn, cho hay.

UBND các tỉnh cùng Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây dựng và thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ nông sản nội địa.

Từ câu chuyện thanh long có thể thấy sản xuất và tiêu thụ còn bị động, cung vượt cầu. Trong khi, lượng tiêu thụ của thị trường nội địa thực chất rất lớn. Vì vậy, người trồng và doanh nghiệp nên quan tâm đến nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng chú trọng sức khỏe, an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc xuất khẩu hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn, đẩy mạnh những sản phẩm chế biến sâu là hướng đi là các doanh nghiệp nên hướng tới lâu dài và bền vững.

Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long, doanh nghiệp khó trăm bề Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long, doanh nghiệp khó trăm bề

VTV.vn - Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu từ 29/12/2021 - 26/1/2022. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp và người nông dân trồng thanh long gặp khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước