33 máy bay ở Việt Nam phải dừng khai thác hơn một năm

Thùy Linh-Chủ nhật, ngày 29/12/2024 14:47 GMT+7

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra, bảo dưỡng động cơ máy bay. Ảnh min họa.

VTV.vn - Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 33 máy bay đang phải bảo quản, dừng bay trên một năm do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 20/12/2024, tổng số máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 249 chiếc (220 máy bay cánh bằng và 29 trực thăng), giảm 12 máy bay so với năm 2023. Trong đó, 33 tàu bay đang phải bảo quản, dừng bay trên 12 tháng, tăng 16 tàu bay phải bảo quản dừng bay so với năm trước.

Trước đó, ngày 3/11/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (Mỹ) đã ban hành thông báo kỹ thuật khẩn và được áp dụng từ ngày 1/1 nhằm kịp thời phát hiện hỏng hóc bất thường từ quá trình sản xuất động cơ PW 1100 G gắn trên máy bay Airbus A321 NEO.

Thời điểm đó, toàn ngành hàng không trong nước có 44 máy bay Airbus A321 NEO, tương ứng với 88 động cơ PW 1100 G của Vietjet (24 máy bay) và Vietnam Airlines (20 máy bay) thuộc diện kiểm tra theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Số lượng lớn máy bay Airbus A321 NEO phải dừng bay để kiểm tra động cơ trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không năm 2024 của các hãng, nhất là dịp cao điểm lễ, Tết. Vì vậy, các hãng đều phải nỗ lực thuê thêm máy bay dù giá thuê có thời điểm tăng cao. 

Trước tình hình đó, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro như: Tổ chức thực hiện rà soát công tác đảm bảo an toàn thông qua các hoạt động của các đoàn kiểm tra an toàn tối thiểu của năm, các đợt kiểm tra gia hạn giấy chứng nhận người khai thác máy bay đối với tổ chức, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với máy bay, cũng như các đợt kiểm tra an toàn đột xuất; tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc tìm kiếm và bổ sung máy bay (bao gồm thuê khô và thuê ướt) để đáp ứng nhu cầu khai thác.

Một số chuyên gia cho hay, thông thường hoạt động sửa chữa động cơ máy bay bị lỗi kỹ thuật cần 75 - 90 ngày/động cơ. Nhưng sau đại dịch COVID-19, do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến thiếu phụ tùng thay thế nên thời gian kiểm tra, sửa chữa động cơ kéo dài tới 200 ngày hoặc hơn nữa. Điều này khiến nhiều hãng hàng không rơi vào tình trạng thiếu máy bay để khai thác.

Trong năm qua, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 53,3 triệu khách, giảm nhẹ 4,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc tế tăng 18,5%. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 446.000 tấn, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm nay, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện được 306.000 chuyến, giảm 11% so với cùng kỳ 2023, tương ứng với 674.000 giờ bay, giảm 8% so với năm ngoái.

Hoạt động khai thác của các hãng đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn. Các chỉ số an toàn trên 1.000 chuyến bay được duy trì tốt.

Vé máy bay giá rẻ: Thời hoàng kim đã qua Vé máy bay giá rẻ: Thời hoàng kim đã qua

VTV.vn - Khủng hoảng chuỗi cung ứng máy bay toàn cầu đang tác động sâu sắc đến ngành hàng không dân dụng, đặc biệt là tại châu Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước