Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để tránh được chiêu trò của những kẻ trục lợi trong quá trình mua bán nhà.
Không ít lần giao dịch bất động sản, anh Hải Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã gặp nhiều người làm nghề môi giới bất động sản nghiêm túc, có kiến thức thực tế, làm việc trên cơ sở tuân thủ pháp luật và giúp đỡ người mua bán tránh rủi ro. Song, anh cũng đã suýt mất tiền oan trong lần đầu giao dịch.
Lần đầu bán nhà chưa có kinh nghiệm lại không có thời gian, anh đã gửi hồ sơ ra một phòng giao dịch bất động sản. Sau đó, chỉ trong một ngày, anh Hoàng bỗng phải tiếp hơn chục khách tới xem nhà.
Người mua nhà nên cẩn trọng với các chiêu trò.
Do nôn nóng bán nhà, anh cố gắng thu xếp để tiếp hết khách. Thậm chí tới ngày hôm sau, anh vẫn phải tiếp cả chục khách tới xem.
Thế nhưng, căn nhà anh Hoàng rao bán với giá 2 tỷ đồng chỉ được khách đến xem trả giá 1,3-1,5 tỷ đồng. Quá nhiều khách trả mức giá đó khiến anh và gia đình vô cùng hoang mang.
"Thậm chí, tôi đã tin rằng, căn nhà đó của tôi chỉ bán tối đa được 1,5 tỷ đồng vì người ta đã trả giá đó suốt một tháng. Phải đến khi tôi nhờ người quen làm trong ngành bất động sản thì mới biết đó là chiêu trò của đội "cò"", anh Hoàng cho hay.
Cụ thể, theo anh Hoàng, 10-20 người kia là người quen của phía môi giới, đóng giả làm khách đến xem nhà. Nhưng thực chất, đó đều là nhân viên của văn phòng hoặc người quen của họ. Những vị khách giả này thậm chí không cần xem bên trong nhà mà đã ra giá thấp để ép. Nếu không tỉnh táo, người bán nhà có thể mất ngay vài trăm triệu đồng.
Trường hợp của anh Hoàng chỉ là một trong những chiêu trò của cò bất động sản. Theo anh Phạm Thế Hùng (Lạc Long Quân, Hà Nội), một môi giới bất động sản, trường hợp xảy ra phổ biến hơn trong miền Nam là "cò" đóng giả người mua để chụp ảnh sổ đỏ của người bán nhà. Lý do là để họ đi kiểm tra quy hoạch, xác thực thông tin đất.
"Sau đó, đội này sẽ đi làm giả sổ đỏ của chủ nhà. Họ sẽ quay lại xem nhà 1-2 lần nữa, để lợi dụng lúc chủ nhà không để ý thì đánh tráo lấy quyển sổ thật", anh Hùng nói và cho biết thêm, các đối tượng có thể lấy sổ này đi cầm cố, thế chấp hoặc bán ra bên ngoài.
Giới môi giới bất động sản bất lương thường có một số chiêu trò kinh điển để dắt mũi khách hàng.
Ngoài hai chiêu trò trên, theo anh Hoàng, một chiêu bài nữa "cò" chuyên nghiệp hay sử dụng là giữ tiền cọc giấy tờ. Theo đó, "cò" đất và người mua sẽ phối hợp với nhau để gây khó khăn trong quá trình giao dịch. Người mua sẽ đề nghị giữ lại 100-200 triệu đồng, sau khi giấy tờ hoàn thiện sẽ trả lại người bán. Người mua chỉ lại giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, bằng lái xe mà không viết giấy biên nhận.
"Người bán nhà nên hết sức tỉnh táo, không làm việc dựa trên cảm tính, hoặc sự tin tưởng vào vẻ bề ngoài bởi nếu không có giấy cam kết thì người bán nhà hoàn toàn có thể mất trắng số tiền này", anh Hùng cho hay.
Thế nhưng, những chiêu trò kể trên vẫn chưa tinh vi vì theo anh Hoàng Anh (Đống Đa, Hà Nội), một người môi giới bất động sản lâu năm, người bán sau khi làm thủ tục công chứng xong vẫn có thể bị dắt mũi.
Cụ thể, anh Hoàng Anh chia sẻ, đội "cò" đất thường tư vấn cho người bán để giá giao dịch trong hợp đồng thấp để né thuế. Ví dụ, căn nhà được thỏa thuận miệng với giá 2 tỷ đồng, nhưng trên hợp đồng chỉ ghi 500 triệu đồng.
"Sau khi người bán làm thủ tục công chứng xác nhận giao dịch xong, bên mua ra ngân hàng chuyển đúng như trên hợp đồng. Lúc này, bên mua chỉ chuyển đúng số tiền 500 triệu đồng, người bán sẽ không thể làm gì được và buộc phải giao giấy tờ và dễ mất trắng số tiền thỏa thuận miệng", anh Hoàng Anh nói.
Cũng theo người môi giới này, những chiêu bài trên là kinh điển của "cò" bất động sản làm ăn gian dối. Ngoài ra, người bán nhà sẽ còn có thể gặp rất nhiều mánh khóe khác nên cần hết sức cẩn trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!