Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020
Trong đó bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%.
Như vậy trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực với các doanh nghiệp
Trong chiều ngược lại, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy những dấu hiệu khởi sắc.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số doanh nghiệp, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 22,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 78,3 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nhập siêu hơn 360 triệu USD
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn đóng vai trò chủ đạo với kim ngạch xuất khẩu 97,88 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch 37,6 tỷ USD. Tiếp sau là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu 20,1 tỷ USD.
Cán cân thương mại sau 5 tháng đầu năm nhập siêu 369 triệu USD (Ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, 5 tháng đầu năm, Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,31 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD.
Như vậy cán cân thương mại sau 5 tháng đầu năm nhập siêu 369 triệu USD.
IIP tăng gần 10%
Cũng giống như nhiều tháng trở lại đây, sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam.
5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%…
Khách du lịch quốc tế giảm gần 98%
Dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch khi sau 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, và tăng 1,43% so với tháng 12/2020. Tính chung CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.
CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020
Trong khi đó, Chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!