8 doanh nghiệp tại Bắc Giang sản xuất trở lại
Đến thời điểm này, với chiến lược chủ động tấn công, Việt Nam đang cơ bản khoanh vùng, cách ly hiệu quả những khu vực có ca lây nhiễm, hạn chế ảnh hưởng trên diện rộng đến nền kinh tế. Thế nhưng, thách thức với các doanh nghiệp vẫn là rất lớn. Từ cuối tháng 4 đến nay, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát lại, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa".
So sánh 4 tháng đầu năm với cùng kỳ năm 2020, bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới trên 44.000 doanh nghiệp, vẫn có đến trên 51.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể, tăng gần 24%. Lo lắng nhất thời điểm này là trên 300 khu công nghiệp cả nước, đặc biệt tại 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn phía Bắc. Bùng phát dịch trong khu công nghiệp đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ tạm dừng sản xuất, chậm, thậm chí là không thể đảm bảo tiến độ giao hàng. Mục tiêu là phải sớm phục hồi sản xuất để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nền kinh tế.
Bắt đầu từ ngày mai (28/5), tỉnh Bắc Giang sẽ cho phép 8 doanh nghiệp đầu tiên tổ chức sản xuất trở lại.
Đây là số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng và Vân Trung. Điều kiện là phải được rà soát, kiểm tra. Các doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động có đủ 2 lần xét nghiệm PCR kết quả âm tính với COVID-19. Bắc Giang cũng quy định chặt chẽ về việc ăn ở, đưa đón, hạn chế tiếp xúc để đảm bảo an toàn với người lao động.
Còn tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất thí điểm mô hình vừa cách ly vừa sản xuất ngay tại nhà máy với nhiều giải pháp đảm bảo giãn cách. Một nửa đi làm, một nửa ở khu cư trú để giảm áp lực cho cả nhà máy và khu ở trọ.
Doanh nghiệp duy trì sản xuất và chống dịch
4 khu công nghiệp hoạt động trở lại, từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho hàng chục ngàn lao động. Hiện, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực giữ vững trận địa này để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bởi các khu công nghiệp đang đóng góp tỷ trọng lớn cho xuất khẩu, tăng trưởng thương mại.
Thời điểm này, nhiều quán ăn dừng bán tại chỗ, chỉ bán mang về nhằm đảm bảo phòng chống dịch.
Không chỉ tại các khu công nghiệp, việc khoanh vùng ổ dịch và thực hiện giãn cách, cách ly y tế được thu hẹp nhất có thể tại các nơi có ổ dịch, tránh tối đa các tác động bất lợi về kinh tế - xã hội, đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu sản xuất... cũng đang là giải pháp hữu hiệu duy trì "sức khỏe" của nền kinh tế.
Ngay khi Hà Nội ra công điện khẩn, quán phở Ngọc Vượng đã lập tức treo biển dừng bán tại chỗ, chỉ bán mang về. Những ngày đầu bán online và bán mang về, trung bình một ngày quán phở này bán được khoảng 100 bát, bằng 1/3 so với thời gian bán tại quán giãn cách trước đó và chỉ bằng 1/5 so với những ngày chưa có dịch. Thế nhưng theo chủ quán, mức doanh thu như vậy đã là rất tốt để có tiền trả tiền thuê nhà và giữ chân nhân viên.
Giữ chân nhân viên vừa là để duy trì hoạt động của quán, nhưng quan trọng hơn là để góp sức cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh.
"Khuyến khích nhân viên là ăn ở tại chỗ và tạo điều kiện cho nhân viên có thu nhập để tránh các bạn di chuyển, đi lại. Vì số lượng nhân viên của chúng tôi chủ yếu là ở các tỉnh, nên khi đi lại có thể không kiểm soát được tình hình dịch bệnh", ông Vũ Ngọc Vượng, chủ cửa hàng phở Ngọc Vượng, cho biết.
Trong khi đó, nhà máy của Công ty TNHH Nhựa AAB hiện nay đang thiếu công nhân. Thế nhưng công ty vẫn quyết định tạm dừng mọi hoạt động phỏng vấn tuyển dụng, vừa nhằm hạn chế tập trung đông người, vừa đảm bản giãn cách trong nhà máy. Ít người, mỗi vị trí đều phải cố gắng hơn để duy trì các đơn hàng.
"Để thực hiện được giãn cách xã hội theo diện hẹp như Chính phủ Việt Nam đang làm hiện nay đòi hỏi rất nhiều công sức, đặc biệt là trong việc truy vết, nhưng cũng nhờ đó mà doanh nghiệp như chúng tôi mới có thể duy trì được sản xuất kinh doanh và đáp ứng được các đơn hàng", ông Ernest Ong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhựa AAB, cho hay.
Trong hơn 800.000 doanh nghiệp trên cả nước, có tới hơn 97% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dịch bệnh trong hơn 1 năm qua đã ngấm sâu vào "sức khỏe" của các doanh nghiệp này.
"Tôi nghĩ giãn cách trong diện hẹp hiện nay là vô cùng đúng đắn mà chúng ta phải làm. Tuy nhiên việc làm này không chỉ có Chính phủ, mà cả cộng đồng doanh nghiệp, người dân là phải tự giác, phải tự cứu lấy mình và hợp tác với Chính phủ", TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận định.
Cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ chiến lược của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh. Kinh tế hỗ trợ y tế và ngược lại, những nỗ lực chống dịch là nền tảng để duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô.
Quyết tâm vượt khó thúc đẩy kinh tế phát triển
Việc hoàn thành các mục tiêu về kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đứng trước nhiều rủi ro, thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, kết quả kinh tế 4 tháng đầu năm đã có những dấu hiệu tích cực.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 104 tỷ USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ. Con số này đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Niềm tin nhà đầu tư vào Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Thu hút vốn FDI tính tới 20/5 đạt khoảng 14 tỷ USD.
Dịch bệnh trong hơn 1 năm qua đã ngấm sâu vào "sức khỏe" của các doanh nghiệp.
Để tiếp tục duy trì thành quả này, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu cụ thể với nhiều bộ ngành liên quan, với các địa phương, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, duy trì nền kinh tế kể cả khi dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra như: Nghị định số 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng số tiền dự kiến 115.000 tỷ đồng; Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giãn, hoãn thời gian trả nợ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Chính phủ đã có biện pháp chỉ đạo hết sức hiệu quả trong bối cảnh dịch diễn ra phức tạp, việc quyết tâm, quyết liệt khoanh vùng cách ly ở những điểm dịch nhỏ, không để đình trệ về mặt kinh tế. Những khu vực bên ngoài dịch, các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra bình thường, đời sống dân sinh vẫn được ổn định. Rõ ràng việc làm này tạo ra sự thu hút nguồn lực của xã hội, vừa làm tốt công tác chống dịch, vừa làm tốt mục tiêu phát triển kinh tế", GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhấn mạnh.
Việt Nam đã bước qua năm 2020 bị tác động bởi dịch COVID-19 với thành quả chống dịch như chống giặc và vẫn tăng trưởng khi dịch bùng phát. Còn sang đến năm nay, với kinh nghiệm đã có, chiến thuật trở thành chủ động tấn công. Chiến thuật này không chỉ phát huy trong chống dịch mà với kinh tế cũng vậy. Từ đầu năm đến nay, dù phải trải qua 4 đợt dịch, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký.
"Việc kiểm soát tốt đại dịch đang tạo ra niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư và các dòng vốn hướng vào Việt Nam như một điểm đến an toàn. Đáng chú ý, chỉ số quản trị mua hàng tăng cao nhất so với tháng 1/2019, thời điểm trước đại dịch. Như vậy sức cầu bên ngoài vào Việt Nam vẫn tăng và Việt Nam đang chứng minh được khả năng đáp ứng đó", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!