5 tháng, giải ngân vốn đầu tư công gần 27% kế hoạch

PV-Thứ hai, ngày 03/06/2024 10:16 GMT+7

5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 190.600 tỷ đồng

VTV.vn - Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2024 được các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện và đạt gần 27% kế hoạch cả năm.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm

Theo đó, tháng 5/2024 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 48.200 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm vốn Trung ương quản lý đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 0,5%; vốn địa phương quản lý đạt 39.600 tỷ đồng, tăng 3,7%.

Tính chung, 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 190.600 tỷ đồng, bằng 26,6% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 24,8% và tăng 21,5%).

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 32.500 tỷ đồng, bằng 29,3% kế hoạch năm và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 20.300 tỷ đồng, giảm 19,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 37%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 287,7 tỷ đồng, giảm 1,1%; Bộ Y tế đạt 247,4 tỷ đồng, giảm 1,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 193,3 tỷ đồng, giảm 34,8 %; Bộ Công Thương đạt 187,8 tỷ đồng, tăng 9,3%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 158.100 tỷ đồng, bằng 26,1% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

5 tháng, giải ngân vốn đầu tư công gần 27% kế hoạch - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp số vốn chưa phân bổ đến ngày 15/5/2024

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các địa phương cần phải quyết liệt, chủ động, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

"Cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, UBND tỉnh yêu cầu, chủ đầu tư triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân các loại nguồn vốn theo kế hoạch đề ra; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đã dự kiến bố trí vốn năm 2024 còn lại.

Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn (không phân biệt chủ đầu tư) để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 634.600 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 7.300 tỷ đồng (của 21 bộ, cơ quan và 20 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là 21.800 tỷ đồng (của 24 địa phương).

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp số vốn chưa phân bổ đến ngày 15/5/2024 để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ, dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng; dự án chưa được bố trí vốn ngân sách trung ương năm 2024 có nhu cầu bổ sung vốn để bảo đảm tiến độ; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư mới được giao kế hoạch trung hạn, có khả năng thực hiện và giải ngân ngay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước