Số doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay không chỉ về số lượng, mà còn chất lượng. Trong đó cùng với những công ty đã hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo, Apple, còn có đại diện các doanh nghiệp tầm cỡ như Boeing, SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Netflix, gã khổng lồ dược phẩm Fizer, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, công ty tài chính Visa và Citibank, các công ty Internet và điện toán đám mây Meta, Amazon, báo Tuổi trẻ thông tin.
Nhiều tờ báo đã gọi đây là những "đại bàng" tới Việt Nam. Khái niệm đại bàng chỉ các tập đoàn lớn trên thế giới được nói nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây khi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi sản xuất, cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy. Tình thế dẫn đến sự luân chuyển dòng vốn để tránh rủi ro và nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã "dọn ổ đón đại bàng". Sự kiện các doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay cũng có thể coi là một chỉ dấu của dịch chuyển làn sóng đầu tư sang Việt Nam và các nước ASEAN.
Với khoảng 13 tỷ USD tổng vốn đăng ký, Mỹ xếp thứ 11 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam, dù còn một khoản vốn không nhỏ Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba, nhưng vẫn thấp hơn Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, Báo Đầu tư thông tin.
Các tập đoàn lớn quan tâm đến Việt Nam là do Việt Nam có những lợi thế, tiềm năng nhất định, môi trường kinh tế, chính trị ổn định là một ví dụ. Thêm vào đó, Việt Nam đang là tâm điểm của sự dịch chuyển vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên vấn đề và cũng là câu hỏi quan trọng được đặt ra lúc này là "dọn ổ" như thế nào để giữ chân "đại bàng"?
Việt Nam đang là tâm điểm của sự dịch chuyển vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo báo Thanh niên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút đầu tư hiện nay đã khác xa so với trước, đó là công nghiệp chế biến công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo thay vì những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, nhưng lợi thế hầu hết địa phương đưa ra để thu hút đầu tư đa số vẫn tập trung vào ưu đãi, vào độ sẵn sàng của mặt bằng khu công nghiệp, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng Internet, xây dựng công nghiệp hỗ trợ cần được chú trọng hơn.
Báo Lao động dẫn lời của Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, lưu ý hiện nay doanh nghiệp Việt Nam có 2 đối thủ cạnh tranh lớn là Ấn Độ và Indonesia. Ngoài ra còn có các thách thức trong nước, khi Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới, nhưng thể chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn chỉnh, thực thi thể chế chưa nghiêm sẽ rất khó thu hút "đại bàng" về xây tổ, giữ chân các tập đoàn lớn, công nghệ cao.
Đưa được "đại bàng" tới đã là một thành công, nhưng giữ được "đại bàng" ở lại còn khó hơn. Việt Nam không chỉ giải quyết những tồn tại cũ, mà phải song song với việc tạo lợi thế mới để thu hút và giữ chân dòng vốn này. Việt Nam tiếp tục phải có những cải thiện về thể chế, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực để giữ chân các tập đoàn lớn, công nghệ cao.
Tại cuộc làm việc với hơn 50 tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc và đầu tư thành công, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Cũng tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội Việt Nam cam kết tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục hoạt động, mở rộng quy mô và phát triển lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!