7 tháng, xuất khẩu gạo mang về 3,2 tỷ USD

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/08/2024 07:55 GMT+7

VTV.vn - Xuất khẩu gạo 7 tháng đạt hơn 5 triệu tấn, giá trị hơn 3,2 tỷ USD, tăng hơn 25% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Sẵn sàng cho thị trường lúa gạo tăng tốc

Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng qua đạt hơn 34 tỷ USD. Có nhiều mặt hàng được xem là điểm sáng. Trong đó xuất khẩu gạo 7 tháng đạt hơn 5 triệu tấn, giá trị hơn 3,2 tỷ USD, tăng hơn 25% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhiều doanh nghiệp đang có những chuẩn bị tích cực, sẵn sàng cho thị trường lúa gạo tăng tốc về đích trong những tháng cuối năm.

Dù chỉ mới có mặt tại Đồng Tháp không lâu, công ty TNHH Mekong Food đã nằm trong top 4 các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam. Trong năm mới 2024, nhận định các đối thủ cạnh tranh chính của gạo Việt như Thái Lan hay Ấn Độ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, công ty đã mạnh dạn đặt ra chỉ tiêu cao hơn.

"Chúng tôi định hướng năm 2024 sẽ nâng xuất khẩu lên 600.000 tấn, kim ngạch khoảng 400 triệu USD…", ông Nguyễn Thanh Hậu - Công ty TNHH Mekong Food, huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết.

7 tháng, xuất khẩu gạo mang về 3,2 tỷ USD  - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo 7 tháng đạt hơn 5 triệu tấn, giá trị hơn 3,2 tỷ USD, tăng hơn 25% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo, thế giới sẽ thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Một số nước hạn chế xuất khẩu, trong khi một số quốc gia lại tăng cường nhập gạo để dự trữ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: "5 năm trở lại đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các tỉnh thành và nông dân, doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu về nâng cao chất lượng gạo lên. Gạo Việt Nam giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận. Giá cao của gạo Việt Nam có giá trị của nó".

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Thông qua hiệp hội lúa gạo để chúng ta ngồi lại, chúng ta khoanh vùng lại để làm tránh tranh chấp, kiểm soát được giá…".

Kết quả xuất khẩu gạo lập nhiều kỷ lục là một tín hiệu mừng. Tuy nhiên cũng đòi hỏi doanh nghiệp có sự nhạy bén hơn, các chủ thể trong chuỗi có sự chia sẻ lợi ích hài hòa, cùng một cơ chế điều hành linh hoạt.

Nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản

Điều đáng nói là giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm nay ước đạt 632 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả xuất khẩu 7 tháng và những tín hiệu tích cực từ các thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57 - 58 tỷ USD, cao hơn 2 - 3 tỷ USD so với chỉ tiêu từ đầu năm.

3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Các mặt hàng gạo, trái cây, thủy sản, gỗ... tiếp tục là những mặt hàng thế mạnh.

7 tháng, xuất khẩu gạo mang về 3,2 tỷ USD  - Ảnh 2.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57 - 58 tỷ USD.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo những tháng cuối năm này xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục phát triển mạnh và có khả năng đạt kim ngạch 6,5 - 7 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng là mặt hàng sẽ đóng góp lớn khi có thể đạt kim ngạch 3 - 4 tỷ USD nhờ lợi thế thời điểm này có sầu riêng cho thu hoạch.

Với các lĩnh vực còn lại, theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá cả sẽ được cải thiện tốt hơn.

Xuất khẩu hướng đến thị trường lớn

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu mới, các ngành hàng chủ lực như gạo, trái cây, thuỷ sản, gỗ... hiện phải đối mặt với áp lực canh tranh càng lớn, đòi hỏi vấn đề duy trì chất lượng và các tiêu chuẩn của mỗi thị trường. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn của nhiều mặt hàng nước ta.

Ngành thuỷ sản có mức tăng ttrưởng xuất khẩu tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái là 14%, đạt trên 885 triệu USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Những tháng cuối năm, Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường được kỳ vọng cao đối với sản phẩm đông lạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc lại là điểm đến số 1 cho phân khúc thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, du lịch. Do vậy, các mặt hàng như tôm hùm, cua, ngao, ốc... của Việt Nam dự báo sẽ vẫn hút khách hàng Trung Quốc trong thời gian tới.

7 tháng, xuất khẩu gạo mang về 3,2 tỷ USD  - Ảnh 3.

Những tháng cuối năm, Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường được kỳ vọng cao đối với sản phẩm đông lạnh.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tỷ trọng sản phẩm tươi sống và hải sản đánh bắt sẽ tăng lên trong cơ cấu xuất khẩu nhờ những giải pháp tháo gỡ về nguyên liệu, nhất là tháo gỡ quy định kích thước được phép đánh bắt cá ngừ vằn từ nửa mét trở lên.

"Trong tháng 7,8,9 mà đang khai thác chính vụ của ngư dân nhưng quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác nó cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp không dám thu mua giai đoạn này và phải tạm ngưng vì đó là quy định pháp luật. Chúng tôi mong rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như Chính phủ sẽ có lưu tâm để ít nhất trong tháng 7,8,9 giúp ngư dân gia tăng được việc đi biển tập trung tối đa trong mùa khai thác này bởi vì cá ngừ là cá di cư", ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết.

Còn với mặt hàng trái cây, bên cạnh sầu riêng tăng mạnh nguồn cung thì việc mở rộng thị trường cho các trái cây khác cũng đã có những kết quả khích lệ.

Việc trái bưởi vừa có thêm thị trường Hàn Quốc chính thức nhập khẩu là thị trường thứ 3 cùng với Hoa Kỳ và New Zealand đã mở ra triển vọng tăng giá trị kim ngạch. Cùng với giải pháp mở rộng thị trường thì việc có những chế tài đủ mạnh để đảm bảo các nhân tố trong chuỗi tuân thủ quy định từ trồng đến thu hoạch, đóng gói là vấn đề trọng tâm từ nay đến cuối năm

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Cục Bảo vệ thực vật cũng đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xây dựng nghị định nhằm đưa ra những quy định quản lý chặt chẽ về cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng cũng như việc sản xuất các sản phẩm nông sản nói chung…"

Theo đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm ngoái, bên cạnh 4 thị trường chủ lực là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU thì các thị trường mới có nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... cũng đang được các bên tập trung.

Giá xuất khẩu cà phê thiết lập mức cao kỷ lục Giá xuất khẩu cà phê thiết lập mức cao kỷ lục Xuất khẩu dệt may kỳ vọng cán đích 44 tỷ USD Xuất khẩu dệt may kỳ vọng cán đích 44 tỷ USD Xuất khẩu tôm đổi hướng thị trường những tháng cuối năm Xuất khẩu tôm đổi hướng thị trường những tháng cuối năm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước