Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có tới 76% người Việt Nam ưu tiên dùng hàng nội địa. Con số này khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi lâu nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam thường có tâm lý "sính ngoại", ưa chuộng các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài ngay cả khi trong nước đã có các sản phẩm chất lượng tương đương và giá thấp hơn nhiều.
Trước đây, chị Hà (Hà Nội) đều đặt mua các sản phẩm thời trang hay đồ gia dụng qua đường xách tay. Thế nhưng từ khi dịch bệnh xuất hiện, thói quen mua hàng ngoại đã thay bằng những sản phẩm trong nước.
Doanh nghiệp nội đang có lợi thế lớn trên sân nhà khi người tiêu dùng có sự ưu tiên cho hàng sản xuất trong nước. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, người tiêu dùng đã ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Kết quả khảo sát cho thấy có 17% người Việt chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% đa phần chọn mua hàng trong nước. Tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn mức trung bình trên toàn cầu lần lượt là 11% và 54%.
Mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng và chất lượng đảm bảo là các yếu tố giúp các doanh nghiệp trong nước giữ chân khách hàng.
Cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp trong nước khi sản phẩm có nguồn gốc địa phương có lợi thế hơn so với các sản phẩm ít quen thuộc khác. Như tại một hệ thống siêu thị của Hàn Quốc, những khu vực sản phẩm địa phương được ưu tiên để ở những vị trí bắt mắt, hay họ cũng đang bắt tay với các doanh nghiệp của Việt Nam để mang đến những sản phẩm nội đáp ứng thói quen tiêu dùng mới nổi của người dân.
Doanh nghiệp nội đang có lợi thế lớn trên sân nhà khi người tiêu dùng có sự ưu tiên cho hàng sản xuất trong nước, nhưng liệu các doanh nghiệp nội có giữ được chân người tiêu dùng hay lại để mọi thứ trở lại như giai đoạn trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!