Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thời cơ và thách thức

Hoàng Dương-Thứ ba, ngày 25/07/2023 21:42 GMT+7

VTV.vn - Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo tháng 7 liên tục tăng. Đây vừa là thời cơ phát triển thị trường, nhưng cũng đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ấn Độ - cường quốc xuất khẩu gạo đã ngừng xuất khẩu, nhiều quốc gia chuyển hướng sang tích trữ lương thực để ứng phó với EL Nino, giá gạo tháng 7 liên tục tăng đang mang lại cơ hội hiếm có cho hạt gạo Việt Nam. Đây vừa là thời cơ phát triển thị trường, gia tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo, tuy nhiên cũng đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Vài ngày sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo tại ĐBSCL đã nhích lên từ 100 - 200 đồng/kg. Đây là một thách thức cho doanh nghiệp với đơn hàng đã ký. Tuy nhiên bên cạnh thách thức, các doanh nghiệp vẫn xem đây là cơ hội giúp hạt gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu.

"Tập trung mua lượng hàng chất lượng để làm sao có đủ lượng hàng để khi ký hợp đồng với đối tác là mình không có rủi ro", ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty Công Phước Thành, Vĩnh Long, cho biết.

Hiện Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia đang tăng mua gạo Việt gấp hàng chục lần so với năm trước. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu lương thực do hạn hán gia tăng trên thế giới và các nước xuất khẩu gạo lớn đang thận trọng hơn, đảm bảo an ninh lương thực là điều phải chú trọng.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thời cơ và thách thức - Ảnh 1.

Tăng cường sản xuất và dự trữ là nền tảng để hạt gạo Việt Nam vừa đạt mục tiêu xuất khẩu, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước. (Ảnh: TTXVN)

Theo tính toán, mỗi năm, 100 triệu người dân Việt Nam tiêu thụ 10 triệu tấn gạo, tương đương 15 triệu tấn thóc. Lượng thóc dùng cho chế biến, chăn nuôi khoảng 12 triệu tấn. Nếu hạn hán, mất mùa xảy ra thì an ninh lương thực quốc gia vẫn được đảm bảo, nhưng cần điều chỉnh lượng gạo xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã khuyến nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước. Còn Bộ Tài chính đang trình Chính phủ phê duyệt mức dự trữ tồn kho từ 220.000 tấn lên 250.000 tấn, đủ sức đảm bảo an ninh lương thực trong nước nếu hạn hán xảy ra.

Việt Nam đang có thời tiết khá thuận lợi nên có thể sản xuất hơn 43 triệu tấn thóc. Tăng cường sản xuất và dự trữ là nền tảng để hạt gạo Việt Nam vừa đạt mục tiêu xuất khẩu, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo

VTV.vn - Không chỉ tập trung giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, ngành gạo Việt Nam đang tập trung phát triển các thị trường mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước