Sau khi Chính phủ Ấn Độ ngày 20/7 cấm xuất khẩu một số loại gạo để kiểm soát giá trong nước, các thương nhân lo ngại một mặt hàng lương thực khác có thể dễ bị tổn thương, đó chính là "Đường".
Thế giới ngày càng phụ thuộc vào đường xuất khẩu từ quốc gia Nam Á này khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Lượng mưa không đồng đều trên các vành đai nông nghiệp của Ấn Độ đã làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng đường sẽ giảm, có nguy cơ giảm năm thứ hai liên tiếp trong mùa vụ bắt đầu từ tháng 10. Điều này có thể hạn chế khả năng xuất khẩu của Ấn Độ.
Henrique Akamine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về đường và ethanol thuộc Dịch vụ Nghiên cứu Nhiệt đới có trụ sở tại São Paulo (Brazil), cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Chính phủ Ấn Độ đang lo ngại về an ninh lương thực và lạm phát. Ông nhận định: "Điều đáng lo ngại hiện nay là chính phủ (Ấn Độ) có thể sẽ tiếp tục làm theo (lệnh cấm) và làm điều gì đó tương tự đối với đường".
Theo ông Aditya Jhunjhunwala, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, những cánh đồng mía ở các vùng sản xuất chính của bang Maharashtra và bang Karnataka đã không có đủ mưa trong tháng 6, dẫn đến tình trạng quan ngại về sản lượng mùa vụ. Hiệp hội dự kiến sản lượng đường sẽ giảm 3,4% so với năm trước xuống 31,7 triệu tấn trong năm 2023-2024. Tuy nhiên, ông Jhunjhunwala khẳng định nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, Ấn Độ sẽ sử dụng nhiều đường hơn để làm nhiên liệu sinh học. Hiệp hội nhận thấy các nhà máy chuyển 4,5 triệu tấn để sản xuất ethanol, tăng 9,8% so với một năm trước đó.
Bruno Lima, người đứng đầu bộ phận đường và ethanol tại StoneX cho biết: "Ở mức sản xuất này, Ấn Độ có thể sẽ không xuất khẩu đường. Chúng tôi sẽ phải theo dõi chặt chẽ xem liệu quá trình chuyển đổi ethanol có được hoàn tất hay không".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!