Theo kết quả báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu BMI, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới vào năm 2027 nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
Hiện tại, Ấn Độ đang đứng ở vị trí số 5 sau Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên dự báo chi tiêu, tiêu dùng của người dân nước này sẽ tăng 29% trong vòng hai năm tới, giúp quốc gia đông dân nhất thế giới tiến thêm hai bậc trên bảng xếp hạng nói trên.
Ngoài ra, BMI ước tính chi tiêu hộ gia đình tại Ấn Độ sẽ sớm vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD khi thu nhập khả dụng của họ ghi nhận mức tăng hàng năm lên 14,6% cho tới năm 2027.
Khách hàng dùng thử sản phẩm tại cửa hàng Apple ở New Delhi. Ảnh: Getty Images
Dân số trẻ đông đảo của Ấn Độ cũng là động lực thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng lên. Ước tính khoảng 33% dân số cả nước ở độ tuổi từ 20 đến 33. Các chuyên gia cho rằng nhóm này sẽ chi mạnh cho đồ điện tử.
Báo cáo dự đoán chi tiêu cho truyền thông sẽ tăng trung bình 11,1% hàng năm lên 76,2 tỷ USD vào năm 2027 do "tầng lớp trung lưu thành thị, hiểu biết về công nghệ với mức thu nhập khả dụng ngày càng tăng sẽ khuyến khích chi tiêu cho các sản phẩm đầy tham vọng như điện tử tiêu dùng".
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra ở đất nước này cũng sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng vì các công ty có thể dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn và mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ thực tế để phục vụ họ.
Hồi tháng 4, hãng Apple đã mở hai cửa hàng bán lẻ ở Delhi và Mumbai. Cùng tháng đó, Samsung tuyên bố sẽ thành lập 15 cửa hàng trải nghiệm cao cấp trên khắp Ấn Độ vào cuối năm nay tại các thành phố lớn như Delhi, Mumbai và Chennai.
Các nhà đầu tư toàn cầu như Blackstone Group và APG Asset Management đã bơm thêm tiền vào hoạt động kinh doanh trung tâm mua sắm của nước này để tận dụng sự tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!