PV VTV đã có cuộc trao đổi với ông Krishna Srinavasan - Giám đốc Bộ phận Châu Á Thái Bình Dương tại IMF chuyên gia tài chính của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF.
* PV: Liệu quyết định cắt giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động lan tỏa thế nào tới các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở khu vực châu Á?
- Ông Krishna Srinavasan: Fed được dự báo sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong những tháng tới. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể sẽ chứng kiến dòng vốn chảy từ Mỹ vào các nền kinh tế mới nổi khác, trong đó có các nền kinh tế khu vực châu Á. Vì các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những thị trường có thể đem lại cho họ nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề khác, đó là nhiều ngân hàng Trung ương của châu Á có thể sẽ nối gót Fed để hạ lãi suất, vì lạm phát cũng đã giảm về mức mong muốn. Cho nên tuỳ thuộc vào việc các ngân hàng Trung ương châu Á phản ứng như thế nào, mà dòng vốn đổ về có thể phân bố không đồng đều giữa các quốc gia châu Á.
* IMF từng khuyến nghị các ngân hàng Trung ương châu Á có thể hành động độc lập với Fed trong chính sách tiền tệ của mình. Tại sao lại như vậy?
- Các ngân hàng châu Á thường có xu thế là sẽ nốt gót các chính sách tiền tệ của Fed, tức là sẽ giảm lãi suất sau khi Fed giảm. Nhưng hãy nhìn vào những năm gần đây. Tại các thị trường châu Á, các yếu tố cơ bản đã được cải thiện đáng kể. Các thị trường vốn địa phương đã trở nên lớn hơn và sâu hơn. Các tổ chức tài chính vững mạnh hơn. Lỗ hổng tỷ giá hối đoái trên bảng cân đối kế toán cũng đã giảm ở rất nhiều quốc gia ở châu Á.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng các ngân hàng Trung ương châu Á hoàn toàn có thể thực hiện nới lỏng tiền tệ mà không cần phải đợi những động thái từ Fed, nhất là khi lạm phát đã chạm mốc mục tiêu đề ra. Chúng tôi cho rằng các quốc gia châu Á có thể xem xét các điều kiện kinh tế trong nước để điều chỉnh chính sách tiền tệ của riêng mình.
* Tỷ giá hối đoái và các đồng tiền tệ châu Á sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào sau khi Fed hạ lãi suất?
- Đầu năm nay, nhiều đồng tiền của châu Á trong đó có đồng nội tệ của Việt Nam đã mất giá so với đồng USD. Nhưng sau quyết định lãi suất của Fed có thể sẽ dẫn tới biến động trong tỷ giá hối đoái. Thực tế là tại một số quốc gia, biến động này đang diễn ra rồi. Ví dụ đồng nội tệ của Việt Nam đã tăng giá, trái ngược với sự mất giá chúng ta thấy hồi đầu năm. Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng thế, vì một số nền kinh tế lạm phát vẫn ở mức cao, nên họ vẫn phải giữ mức lãi suất cao kể cả khi Mỹ đã hạ lãi suất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!