Đề xuất trên cũng đã nhận được sự hậu thuẫn của Công đảng đối lập trong chính phủ. Theo trang tài chính của Yahoo, việc giảm thời gian làm việc mỗi tuần đang ngày càng được khuyến khích ở nhiều quốc gia. Các ví dụ cụ thể được đưa ra như doanh nghiệp cung cấp phần mềm Planio tại Đức trong năm nay đã áp dụng thử chương trình làm việc 4 ngày 1 tuần cho nhân viên của mình và đưa ra các đánh giá khả quan.
Ở New Zealand, sau khi thực hiện thử nghiệm một tuần chỉ làm việc 32 tiếng, công ty ủy thác đầu tư Perpetual Guardian đã khẳng định có sự cải thiện tích cực về tỷ lệ stress, đồng thời gia tăng tinh thần làm việc chung.
Ngay ở Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng về cường độ làm việc cao, chính phủ cũng đang khuyến khích doanh nghiệp bỏ ra buổi sáng thứ 2 mỗi tuần để nhân viên của mình nghỉ xả hơi trước khi bắt đầu tuần làm việc mới.
Elon Musk, người sáng lập công ty xe điện Tesla, đã từng nhận không ít chỉ trích khi cho rằng chẳng ai thay đổi được thế giới nếu chỉ làm việc 40 giờ/tuần. Việc rút ngắn thời gian làm việc mỗi tuần đồng thời vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động được đánh giá là cần thiết, khi kỷ nguyên tự động hóa và machine learning đang ngày càng ảnh hưởng sâu và rộng hơn đến nhiều ngành nghề khác nhau.
Theo các thống kê được BBC đưa ra, dự tính trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot và tự động hóa sẽ đóng góp thêm 200 tỷ Bảng cho kinh tế Anh, nhưng đồng thời nhiều khả năng sẽ đẩy khoảng 3.6 triệu người vào chỗ thất nghiệp cho đến năm 2030.
Khảo sát từ Nghiệp đoàn đại diện các liên hiệp thương mại Anh TUC cho thấy, 51% số người được hỏi lo ngại rằng, đối tượng thụ hưởng các lợi ích mang lại khi áp dụng các công nghệ mới sẽ chỉ là những người đứng đầu doanh nghiệp, chứ không phải người lao động.
BBC cũng lấy ví dụ về ngành vận chuyển thư tín tại nước này. Vào giai đoạn công ty vận chuyển Royal Mail áp dụng các loại máy móc phân loại thư từ mới giúp tăng năng suất, thay vì được cắt giảm thời gian làm việc, nhân viên hãng lại bị buộc phải làm thêm giờ ở các vị trí giao hàng, do thư từ đã được phân loại nhanh và hiệu quả hơn.
Trong một nhan đề khác, báo này cũng thể hiện góc nhìn tích cực với việc tăng ngày nghỉ trong tuần. Bớt giờ làm việc nhưng vẫn giữ nguyên mức lương thưởng là một cách để buộc doanh nghiệp chia sẻ các lợi ích nhận được từ việc áp dụng công nghệ mới và đảm bảo quyền lợi cho lao động. Ngày nghỉ bổ sung được cho là khiến người lao động có nhiều thời gian chăm sóc bản thân và gia đình hơn, giúp cân bằng cuộc sống và được kỳ vọng gắn kết bền chặt hơn mối quan hệ giữa họ với chủ doanh nghiệp, góp phần gia tăng năng suất làm việc.
Một số doanh nghiệp Anh cho biết sẽ chính thức thực hiện chương trình này lâu dài, sau thời gian thử nghiệm được đánh giá là thành công. Tuy nhiên vẫn có nhận định rằng cần thận trọng trong việc áp dụng sáng kiến này, do lo ngại các tác động tích cực lên năng suất lao động sẽ khó bù lại được khoảng thời gian làm việc mất đi từ việc tăng ngày nghỉ mỗi tuần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!