Làm việc tới chết - Hiện tượng Karoshi tại Nhật Bản

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 08/11/2018 14:49 GMT+7

VTV.vn - Văn hóa Nhật Bản không có từ để chỉ trạng thái cân bằng công việc và cuộc sống nhưng lại có riêng một từ để chỉ những cái chết vì làm việc quá nhiều, đó là Karoshi.

Qua các phương tiện truyền thông, nhiều người có thể đã nhìn thấy hình ảnh của những người lao động Nhật Bản phải ngủ gục ngoài đường vì làm việc quá sức đến mức tử vong. Sự chăm chỉ và kỷ luật của người Nhật Bản là phẩm chất đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên, song song với sự phát triển, tỷ lệ tử vong vì làm việc kiệt sức đã trở nên đáng báo động. 

Đau xót những nạn nhân Karoshi ở Nhật Bản

Đã 8 năm trôi qua, ông Itsuo Sekigawa - Quản lý công ty xây dựng - vẫn chưa thể nguôi đau buồn sau cái chết của người con trai duy nhất của mình. Ông thậm chí vẫn không dám bước ngang qua phòng riêng của con. Con trai ông - anh Satoshi Sekigawa - tốt nghiệp đại học và ngay sau đó được nhận vào làm ở một tập đoàn lớn. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm sau đó, anh tự tử. Bố của anh cho biết về nhà lúc 21 giờ đối với anh là còn sớm, nếu chưa xong việc anh sẽ làm việc tới nửa đêm. Thời gian làm việc lên tới 12 tiếng mỗi ngày trong một khoảng thời gian dài, áp lực công việc quá lớn khiến anh Satoshi quyết định tìm tới cái chết.

Một nạn nhân Karoshi khác đó là nữ phóng viên Miwa Sado của Đài truyền hình NHK Nhật Bản được phát hiện đã tử vong trên giường vào tháng 7/2013, lúc đó trên tay cô vẫn còn đang cầm chiếc điện thoại di động. Nguyên nhân tử vong là do suy tim vì làm việc quá sức. Là một phóng viên chuyên đưa tin chính trị, cô đã làm việc liên tục trong khoảng thời gian bầu cử tại Nhật Bản. Làm thêm tới 159 giờ, gấp 5 lần thời gian trung bình, cô chỉ nghỉ vỏn vẹn đúng 2 ngày trong 1 tháng.

Anh Syota Nakahara, 32 tuổi đã từng là một kỹ sư. Anh đã bị trầm cảm do căng thẳng từ công việc trong suốt nhiều năm liền. Khoảng thời gian đỉnh điểm là trong 2 năm liên tục, ngày nào anh cũng đi làm từ 8h - 3h hôm sau, tức làm việc gần 18 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện làm việc quá khắc nghiệt như vậy, anh vẫn không dám từ bỏ vì không có việc, tức không có tiền và sẽ tụt xuống đáy của xã hội.

Nguồn gốc của hiện tượng Karoshi

Bên cạnh 8 tiếng hành chính thông thường, thống kê cho thấy 1/4 người lao động Nhật Bản làm thêm trên 80 tiếng 1 tháng, gấp gần 3 lần mức tiêu chuẩn ở nhiều quốc gia khác. Mỗi năm tại Nhật Bản có tới gần 2.000 ca tử vong có liên quan đến công việc, chủ yếu do đột quỵ, đau tim, trầm cảm và tự tử. Cứ 5 người lao động có 1 người nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

Truyền thống làm việc ngoài giờ tại Nhật bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước - khi mức lương của người lao động tại quốc gia này tương đối thấp và họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình.

Đến những năm bùng nổ kinh tế vào thập niên 80, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, văn hóa làm việc nhiều giờ trong tuần vẫn được duy trì. Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính, vào cuối những năm 90, các công ty bắt đầu tái cơ cấu. Sức ép vô cùng lớn, các nhân viên ở lại làm việc ngoài giờ để không bị sa thải. Nhiều người lao động cố tỏ ra vui vẻ với việc làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc và dần dần đây trở thành một "văn hóa làm việc" dẫn đến hiện tượng Karoshi.

Xã hội Nhật Bản nhìn nhận thế nào về vấn đề hiện tượng Karoshi

Quan điểm của người Nhật Bản với tình trạng làm việc tới chết (Karoshi) chứa đựng nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Những cuộc khảo sát cho thấy trong khi phần lớn người lao động đều thừa nhận làm việc quá sức là một vấn nạn cần giải quyết, cũng chính những người này sẵn sàng chấp nhận làm thêm nhiều giờ liên tục nếu công việc yêu cầu. Sự mâu thuẫn này xuất phát từ nền văn hóa coi trọng sự cống hiến ở Nhật Bản.

Người lao động, đặc biệt là nam giới chỉ được tôn trọng và có cơ hội thăng tiến nếu dành phần lớn thời gian cho công việc. Nam giới Nhật Bản xem việc ở công ty cả ngày và không làm chút việc nhà nào là điều hết sức bình thường.

Cho đến nay Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều giải pháp như chính sách ngày "Thứ Sáu vui vẻ", theo đó người lao động sẽ được về sớm trong ngày làm việc cuối cùng trong tuần. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn đặt ra mức trần một tháng không làm thêm quá 45 tiếng, một năm không quá 360 giờ đồng hồ. Chỉ những người có thu nhập hàng năm trên 10 triệu Yen (gần 100 USD) mới được miễn trừ khỏi giới hạn này.

Có thể nói cho đến nay những chính sách Chính phủ Nhật đưa ra vẫn chưa giải quyết được vấn nạn chết do làm việc quá sức. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này: Thứ nhất là do văn hóa lao động, người lao động Nhật Bản vẫn sẵn sàng làm thêm giờ nếu cần thiết; Thứ hai do tình trạng thiếu hụt lao động ở rất nhiều ngành nghề.

Theo thống kê, Nhật Bản hiện thiếu 5 triệu lao động, tập trung vào các ngành dịch vụ, bán lẻ, nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa, xây dựng. Để giải quyết tình trạng thiếu người, các công ty buộc phải để nhân viên làm thêm giờ. Những thực trạng này đã làm giảm đáng kể hiệu quả các chính sách hạn chế giờ làm của Chính phủ Nhật Bản.

Nhật Bản nỗ lực hạn chế tình trạng làm việc tới chết

Số liệu thống kê mới công bố cho thấy tỷ lệ người trẻ tự tử ở Nhật đang ở mức cao nhất trong 30 năm qua, trong đó áp lực quá lớn từ công việc được cho là một trong những nguồn cơn chính. Nhằm giúp người lao động có thể có nhiều thời gian cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm thiểu tỷ lệ tử vong vì làm việc quá sức, Chính phủ Nhật Bản đã hạ mục tiêu sẽ giảm 30% số vụ tự tử trong 10 năm tới.

Bộ Kinh tế Nhật Bản đã đề xuất một kế hoạch mang tên "Thứ Hai tươi sáng". Theo kế hoạch này, người lao động sẽ có một ngày thứ Hai trong tháng có thể nghỉ sáng và đến văn phòng sau bữa ăn trưa, giúp họ giảm cảm giác hụt hẫng sau ngày nghỉ cuối tuần và có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây được coi là bước đi tiếp nối chính sách "Thứ Sáu vui vẻ" được áp dụng từ năm 2017.

Chính phủ Nhật Bản cũng tăng cường các cơ sở y tế hoạt động như một trung tâm hỗ trợ những người có ý định tự tử, kiểm tra sức khỏe đối với những người có biểu hiện trầm cảm. Thành lập và tăng số lượng các bộ phận, nhân viên phòng chống tự tử trong bộ máy chính quyền các cấp.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đa dạng môi trường làm việc. Nhiều công ty của Nhật Bản hỗ trợ nhân viên làm việc ở bất cứ nơi nào thuận tiện như những phòng hát karaoke hay trong những bốt làm việc di động đặt rải rác trong thành phố. Một vài công ty còn mở các khu lều trại ở công viên hay các khu vực ngoại ô cho nhân viên làm việc. Theo đánh giá của người lao động đây là những biện pháp khá tích cực, việc linh hoạt thay đổi không gian đã giúp họ giảm căng thẳng trong công việc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước