Đại dịch COVID-19 và chiến sự ở Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến mọi thứ từ phân bón, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và năng lượng đều trở nên đắt đỏ.
Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh cho biết, nguồn cung cà chua, dưa chuột và lê có khả năng bị ảnh hưởng do chúng là loại cây trồng sử dụng nhiều năng lượng.
Chi phí phân bón nitơ đã tăng 240% trong 3 năm qua. Chưa dừng lại ở đó, Vương quốc Anh đang đối mặt với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay, với hơn 250 trường hợp được xác nhận kể từ tháng 10/2021 và hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Thịt gia cầm và trứng đã trở nên khan hiếm, đắt đỏ hơn.
Nhiều siêu thị ở Anh tạm thời hạn chế mua trứng. Các kệ hàng trống trơn đã trở thành cảnh tượng phổ biến đối với người mua hàng.
Giới chức Vương quốc Anh cảnh báo nước này đang đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực. (Ảnh minh họa - Ảnh: EPA)
"Cuộc khủng hoảng chi phí là một cụm từ mà dường như ai cũng phải nhắc đến. Tôi ngày càng thấy rõ tác động của nó. Thực phẩm không phải là một thứ xa xỉ, thực phẩm là nhu cầu thiết yếu. Mọi người đều nên có quyền tiếp cận với thực phẩm", bà Anna Sjovorr-Packham, Chương trình hỗ trợ cộng đồng Healthy Living Platform, cho biết.
"Hiện tại vấn đề an ninh lương thực đang trở nên rất nghiêm trọng", bà Minette Batters, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia, nhấn mạnh.
Theo khảo sát của hiệp hội này, hiện có ít hơn 7.000 doanh nghiệp trang trại ở Anh so với năm 2019, giảm gần 5%.
"Mối nguy hiểm là chúng ta sản xuất ngày càng ít lương thực trong nước và phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Chúng ta phải tìm cách để tháo gỡ những rủi ro cho nhà sản xuất thực phẩm", bà Minette Batters, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia, nhận định.
Vật giá tăng là một vấn đề lớn trên toàn thế giới, nhưng nông dân Anh cũng đang phải gánh chịu hậu quả của việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU).
Ngành nông nghiệp của Anh vốn phụ thuộc vào lao động EU. Tuy nhiên, Brexit đã khiến việc tuyển dụng lao động từ bên ngoài trở nên khó khăn hơn, do các quy định nhập cư khắt khe.
Hiệp hội Nông dân Quốc gia hiện đang đề xuất Chính phủ Anh cấp thêm thị thực cho lao động thời vụ để đảm bảo có người thu hoạch các loại cây trồng đến mùa vụ.
Mặc khác, Chính phủ Anh vẫn đảm bảo rằng nước này có "mức độ an ninh lương thực cao" từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ "có khả năng phục hồi cao".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!