Báo chí Anh đã có nhiều bài phân tích cụ thể về vấn đề này trong tuần qua với khá nhiều ý kiến ủng hộ dành cho tập đoàn công nghệ đến từ Trung Quốc.
Đề cập đến Huawei và kế hoạch xây dựng mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G) của Anh, Thủ tướng Boris Johnson mới chỉ nói nước đôi là Anh sẽ không để việc nâng cấp hạ tầng thông tin gây bất kỳ rủi ro nào cho an ninh, nhưng ông Johnson cũng nói thêm, những người phản đối Huawei tham gia vào 5G tại Anh, liệu có đưa ra được các lựa chọn thay thế nào khác?
Phân tích trên trang Standard nói rõ hơn việc tại sao ông Johnson ám chỉ không có lựa chọn khác và chính phủ Anh phải tự đẩy mình vào thế khó khi chỉ đưa ra xem xét một cái tên Huawei. Báo này viết, thực tế nước Anh cần Huawei. Ngoài việc rẻ hơn, 5G của Huawei cũng đang đi trước các tên tuổi châu Âu như Nokia hay Ericssons khoảng 18 tháng về mặt công nghệ. Nói về nguyên nhân chậm chạp của các tập đoàn châu Âu, Standard đổ lỗi cho các sai lầm về chính sách của khu vực trong cả thập kỷ qua.
Cũng theo Standard, nếu loại Huawei khỏi quá trình xây dựng 5G tại Anh, cái mất đi sẽ là những lợi ích về kinh tế. Muốn có thêm 5G khi đó sẽ phải chờ đợi thêm nhiều năm và các quốc gia khác có thể bứt lên tạo các lợi thế về kinh tế dựa trên 5G.
Bổ sung thêm về các lợi thế kỹ thuật của Huawei, theo tờ The Times, vì nước Anh không sở hữu công nghệ 5G, nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài để xây dựng mạng 5G. Một số doanh nghiệp đang phát triển 5G có thể kể đến là: Nokia và Ericssons của châu Âu, Samsung của Hàn Quốc, hay Cisco và Qualcomm của Mỹ. Nhưng theo các chuyên gia mạng di động chia sẻ với báo này, công nghệ của Huawei đang vượt trội so với các đối thủ trên.
Rõ ràng áp lực lớn nhất với việc có cho phép Huawei làm 5G tại Anh hay không lại không đến từ trong nước, mà từ đồng minh. Một nhóm quan chức cấp cao của Mỹ đã tới London đầu tuần này, phản đối việc Anh dùng công nghệ Huawei. Một động thái tạo sức ép khi Chính phủ Anh có chiều hướng ủng hộ tập đoàn Trung Quốc và chuẩn bị đưa ra quyết định. Bề ngoài, kết quả chuyến đi không có vẻ gì là thành công, vì cùng ngày đại diện cơ quan an ninh Anh vẫn khẳng định Huawei chỉ được tham gia vào các phần không cốt lõi của mạng 5G Anh và vì vậy việc lo ngại vấn đề an ninh ở đây là chưa đủ căn cứ.
Trở lại với bài trên The Times, theo báo này, vào năm 2019 khi cựu Thủ tướng Anh Theresa may đưa vấn đề Huawei và 5G ra bàn, có đến 5 bộ trưởng thành viên chủ chốt của nội các phản đối. Tình hình có thể dễ thở hơn với chính phủ Johnson, khi 4 trong 5 chính trị gia trên đều không còn làm,và ông Johnson đang rất uy tín sau cuộc bầu cử vừa qua.
Anh đặt một mục tiêu tham vọng với mạng 5G, khi cam kết đến năm 2025 có thể phổ cập băng thông mới đến tất cả mọi gia đình tại nước này. Với Chính phủ Anh, đây được xem là chiến lược quan trọng trong nâng tầm quốc gia và là điểm tựa mới cho phát triển kinh tế. Thêm vào đó, tại Anh, có không ít quan điểm cho rằng nước này nên chủ động về chiến lược kinh tế cho mình, thay vào chỉ trông cậy vào quan hệ với Mỹ, một đồng minh gần đây rất thường xuyên thay đổi ý kiến, hay vào một hiệp định thương mại vẫn mới chỉ là hứa hẹn của Tổng thống Trump.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!