Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 477 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường thô, đường tinh luyện có xuất xứ Thái Lan lần lượt ở mức 44,88% và 33,88%.
Đây được đánh giá là quyết định quan trọng giúp ngành mía đường vượt qua giai đoạn rất khó khăn.
Đường mía Thái Lan nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam gây khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường, cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Hiệp định ATIGA (Hiệp định tự do trong khu vực ASEAN) có hiệu lực từ 1/1/2020 đã đẩy thuế nhập khẩu đường mía xuống 5% từ mức 80% (đường thô) và 85% (đường trắng) đã được áp trước đó. Điều này đã khiến lượng đường nhập khẩu từ khu vực ASEAN tăng vọt.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, gấp đôi lượng đường sản xuất trong nước. Trong đó, một lượng đáng kể được nhập từ Thái Lan.
Điều đáng nói, các quốc gia trong khu vực được trợ giá rất lớn từ Chính phủ. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, do tình hình hạn hán ảnh hưởng đến năng suất mía nên đến ngày 30/6/2020, Chính phủ Thái Lan đã thống nhất tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD. Mức tài trợ cho này tương đương khoảng 1.419 Bath/tấn mía, giúp giá thành mía đường của Thái Lan ở mức rất cạnh tranh.
Đường mía Thái Lan nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường, cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước. Nếu như trước đây, năng lực sản xuất của doanh nghiệp mía đường trong nước vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn thì đến nay giảm chỉ còn một nửa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!