Dân số già hóa đang gây áp lực lên thị trường lao động của Nhật Bản. Kết quả khảo sát mới công bố cho thấy, một số lĩnh vực đang ghi nhận sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực. Tỷ lệ người trên 65 tuổi tìm kiếm việc làm để trang trải cuộc sống cũng tăng cao. Điều này đặt ra bài toán khó về việc sắp xếp công việc phù hợp với đối tượng lao động cao tuổi.
Chỉ riêng trong năm 2023, hơn 500 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo trợ và chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản đã phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động. Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng làm việc trong ngành chăm sóc người cao tuổi do dân số già hóa và cạnh tranh nhân lực gay gắt với những ngành khác, đặc biệt là ngành kinh doanh ăn uống.
Cũng trong lĩnh vực dịch vụ, các cơ sở lưu trú tại các điểm du lịch của Nhật Bản đang thiếu hơn 20% nhân lực, tương đương với hơn 150.000 vị trí việc làm và đang phải chật vật để thuê đủ nhân công. Khan hiếm nhân lực có thể khiến các cơ sở lưu trú mất đi lượng khách tiềm năng. Ví dụ, nhiều nhà nghỉ và suối nước nóng thường kín khách trong dịp nghỉ lễ cuối năm và năm mới vừa qua chỉ duy trì được 70% công suất do lượng nhân viên đã giảm khoảng 30%.
Trong bối cảnh lực lượng lao động tại Nhật Bản đang ngày càng thu hẹp, một thách thức khác cũng nổi lên, đó là bố trí công việc phù hợp cho số lượng ngày càng gia tăng những người cao tuổi đang tìm kiếm việc làm. Dữ liệu của Trung tâm việc làm thuộc Chính phủ Nhật Bản cho thấy, số người từ 65 tuổi trở lên đang tìm kiếm việc ở Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, từ 140.000 người lên 256.000 người.
Luật Lao động Nhật Bản quy định các công ty phải tuyển dụng lao động đến 65 tuổi. Còn đối với những người từ 65 - 70 tuổi, các công ty chỉ được khuyến khích cung cấp việc làm. Tỷ lệ người lớn tuổi thành công tìm được việc làm ở nước này có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung. Họ thường chỉ tìm được các công việc bán thời gian.
Theo tính toán, chỉ riêng lương hưu có thể không cung cấp đủ thu nhập cho những người cao tuổi tại Nhật Bản. Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản ước tính vào năm 2019 rằng mỗi người sau khi nghỉ hưu cần có một quỹ dự phòng trị giá 20 triệu Yên, tương đương 3,7 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại, để trang trải cuộc sống, mặc dù một số người cho rằng con số này còn chưa đủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!