Đàm phán chính thức Brexit giữa Anh và liên minh châu Âu mới bước sang vòng 2, còn hơn một năm nữa để các chính trị gia London tìm kiếm một thoả thuận rời đi có lợi nhất cho mình. Nhưng ngay lúc này, áp lực với trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đang định hình rõ hơn lúc nào hết. Tương lai không chắc chắn của nước Anh đang tạo nên một làn sóng các ngân hàng nước ngoài chọn rời đi và tìm kiếm điểm đến mới ở phía lục địa.
London có thể mất 10 nghìn việc làm trong ngành ngân hàng, 20 nghìn vị trị khác trong ngành dịch vụ tài chính, và 2,1 nghìn tỷ USD giá trị tài sản, khi các ngân hàng nước ngoài lựa chọn rời đi. Số liệu báo cáo đến thời điểm này cho thấy, các định chế tài chính nước ngoài đã di chuyển đến gần 15 nghìn vị trí việc làm khỏi London sang các thành phố khác ở châu Âu. Nhiều ngân hàng như Deustche bank của Đức, đã cắt giảm đến một nửa số lượng việc làm của mình tại trụ sở London để chuyển sang nơi khác.
Frankfurt đang nổi lên là cái tên hấp dẫn nhất đối với các ngân hàng tìm kiếm điểm đến mới sau khi rời London. Trung tâm tài chính nước Đức tỏ ra vượt trội so với các đối thủ như Paris, Dublin, Amsterdam. UBS, Citigroup, Standard Chartered, Nomura, đã lựa chọn Frankfurt là địa điểm mới đặt trụ sở tại châu Âu của mình. Nhiều nguồn tin cho biết, 2 ngân hàng lớn khác của Mỹ là Goldmans và Morgan Stanley cũng chuẩn bị công bố quyết định lựa chọn tương tự.
Dù vẫn có khả năng sau kết thúc đàm phán Brexit, London vẫn duy trì được việc tiếp cận với khu vực thị trường chung. Nhưng các ngân hàng nước ngoài có vẻ sốt ruột với thái độ cứng rắn hiện nay của London. Hoạt động kinh doanh không chấp nhận rủi ro, và họ đang dần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Làn sóng rời đi của các ngân hàng nước ngoài đang tạo áp lực lớn, khi ngành tài chính và các dịch vụ liên quan đến tài chính hàng năm đóng góp 250 tỷ USD, 12% tổng giá trị nền kinh tế Anh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!