Nhiều khó khăn bủa vây ngành phân bón
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó, nguồn cung trong nước đáp ứng khoảng 70%. Mặc dù, có thị trường tiêu thụ khá lớn, nhưng tình trạng hàng giả vẫn ngày càng phức tạp, cộng với phân bón trong nước không được khấu trừ VAT đầu vào, khiến giá bán tăng cao đã khiến ngành phân bón nội địa gặp không ít khó khăn.
Công ty CP Phân bón Trường Xuân cho biết, đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho 100% dây chuyền sản xuất mới, sở hữu cả 2 dòng sản phẩm phân bón hữu cơ và vô cơ với chất lượng cao, nhưng nhà máy này vẫn gặp không ít khó khăn ở khâu tiêu thụ.
Có khoảng 7.000 loại phân bón đang lưu hành ở nước ta. Tình trạng hàng giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại cho ngành hàng khoảng 2,6 tỷ USD mỗi năm. Nhiều lỗ hổng từ khâu quản lý là lý do chưa thể chấm dứt vấn nạn này.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó, nguồn cung trong nước đáp ứng khoảng 70%.
Việc phân bón ngoại nhập được khấu trừ VAT đầu vào, trong khi sản phẩm nội địa không hưởng được chính sách này đang đẩy các nhà máy sản xuất trong nước đã khó nay càng khó khăn hơn.
Để có được những sản phẩm phân bón chất lượng cao đòi hỏi nhà máy phải đầu tư dây chuyền hiện đại, đặc biệt chi phí khá cao. Tuy nhiên, việc không được khấu trừ VAT đầu vào đang làm giảm đi khả năng cạnh tranh của mặt hàng nội địa.
Đặc biệt, tâm lý thích dùng các sản phẩm ngoại nhập của bà con nông dân cũng là thách thức không hề nhỏ đã và đang khiến ngành phân bón nội địa thua ngay trên chính sân nhà.
Tác động khi áp thuế giá trị gia tăng phân bón
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Trong đó, phương án áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón nhận được nhiều quan tâm vì không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, doanh nghiệp mà cả những người nông dân.
Phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm 40 - 50% tổng chi phí đầu tư. Đây là mức rất cao. Chỉ cần mặt hàng này tăng nhẹ cũng đã tác động lớn đến lợi nhuận của người nông dân. Theo chuyên gia, đưa phân bón vào diện chịu thuế ở mức như cũ 5% không những làm lành mạnh thị trường cạnh tranh giữa phân nội và ngoại nhập mà còn mang về nguồn thu lớn cho nhà nước.
Phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm 40 - 50% tổng chi phí đầu tư.
"Nhà nước thu được lợi nhuận từ việc đánh thuế VAT đối với doanh nghiệp trong nước chỉ khoảng trên dưới 20.000 tỷ, nhưng với phân bón ngoại nhập khoảng 3,3 triệu tấn mỗi năm thì vào khoảng trên 200.000 tỷ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết.
Từ khoản thu này, nhà nước hoàn toàn có thể hỗ trợ lại trực tiếp hoặc gián tiếp cho bà con nông dân như đầu tư hạ tầng, kỹ thuật trong nông nghiệp. Ngoài ra, có thể hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của các doanh nghiệp trong nước để đưa ra những sản phẩm phân bón mới, phù hợp với xu hướng canh tác hiện nay.
Một số hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức để ghi nhận ý kiến đa chiều về nội dung này. Theo các chuyên gia, khi được khấu trừ chi phí đầu vào thì doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm rõ hơn với người nông dân.
Cụ thể, thông qua việc bình ổn giá phân bón, các chương trình khuyến mãi, hậu mãi để giảm tác động từ việc chịu thuế đầu ra. Có như vậy, hàng triệu bà con mới gắn bó được với sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!