Tại Bắc Giang, thay vì chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, người dân bắt đầu thay đổi, tham gia hợp tác xã để chăn nuôi với quy mô lớn. Điều này đã giúp chính quyền thành phố dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chất lượng thịt lợn trước khi tới tay người tiêu dùng.
"Khi người dân tập trung sản xuất chăn nuôi theo phương thức tập trung thì hiệu quả cao hơn nhiều lần. Chắc chắn, sản phẩm thực phẩm như thịt lợn sạch sẽ giúp quản lý dễ dàng hơn. Sản phẩm tiêu thụ trong trường học, bếp ăn tập thể, sinh hoạt cũng yên tâm hơn", ông Trần Văn Thanh – Trường phòng Kinh tế thành phố Bắc Giang cho biết.
Xây dựng mô hình hợp tác xã chăn nuôi cũng có nghĩa là mọi thành viên khi tham gia đều phải tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi, đảm bảo không còn tồn dư chất kháng sinh cũng như chất độc hại trong đàn trước khi đem bán. Bằng việc bao gói, dán tem nhãn cho sản phẩm, hợp tác xã cũng sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về nguồn gốc chất lượng của sản phẩm. Theo chính quyền thành phố, đây là hướng đi để xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng về nguồn thực phẩm an toàn ngay tại địa phương.
Trong thời gian tới, những sản phẩm an toàn sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc để giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc mua sắm cho gia đình.