Phóng sự trên báo Nông thôn ngày nay cung cấp thông tin thuê đất với giá cao để trồng sen lấy ngó, sau gần 1 năm, toàn bộ sen của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang (do ông Trần Văn Hòa làm giám đốc) đều chết sạch. Tôm hùm đỏ ở trại này cũng chết gần hết trước khi bị tiêu hủy.
Báo Công an nhân dân cung cấp thêm thông tin về loại tôm lạ này: tôm hùm đỏ là loài thủy sinh vật ngoại lai có khả năng mang mầm bệnh. Vào mùa sinh sản, khi đào hang đẻ con, chúng sẽ đào hang sâu đến 2 m, có nguy cơ phá hỏng hệ thống đê điều. Nếu sự việc này không được phát hiện sớm, rất có thể hiểm họa ốc bươu vàng sẽ bị lặp lại.
Thời gian gần đây, rất nhiều loài sinh vật ngoại lai gây hại đã bị tuồn vào trong nước như: rùa tai đỏ, gián đất, sâu lạ, chuột hamster, cây mai dương hay sâu róm.
Trong câu chuyện về tôm hùm đỏ ở trên, ông Hòa nói rằng mình được người bạn tặng cho 4 kg tôm nên mang về nuôi thử. Câu chuyện của ông Hòa sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang có ý định nuôi thử một giống loài nào đó mà không có kiến thức hiểu biết rõ ràng về chúng.
Một câu chuyện khác đáng báo động về sự thiếu hiểu biết nguồn gốc các loài sinh vật ngoại lai đó là sự việc người dân thả 10 tấn cá chim trắng xuống sông Hồng mới đây. Một nghĩa cử đẹp nhưng lại gây ra hậu quả khôn lường khi loài cá chim trắng có thể gây nguy hiểm cho hệ sinh thái sông Hồng.
Trong câu chuyện về cá chim trắng, một chuyên gia cho rằng, hãy quan tâm đến việc phát triển các loài sinh vật bản địa quý hiếm thay vì đầu tư cho sinh vật ngoại lai, ví dụ như thả cá chép, cá trắm thay vì cá chim trắng.
Không thể phủ nhận sinh vật ngoại lai cũng có những vai trò nhất định trong việc đa dạng hóa sinh học ở địa phương, vì vậy việc phổ biến kiến thức đến người chăn nuôi là rất quan trọng, để họ có thể phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!