Vườn cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Quy hoạch phát triển cây mắc ca được lập ra với quan điểm mắc ca là cây trồng mới ở Việt Nam; căn cứ các kết quả nghiên cứu khoa học về giống, khả năng thích nghi đang hoàn thiện; thị trường tiêu thụ sản phẩm cần phát triển bền vững. Theo đó, định hướng đến năm 2020, tổng diện tích trồng mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là khoảng 9.940ha bao gồm cả trồng thuần và trồng xen, trong đó Tây Bắc là 3.450ha, Tây Nguyên khoảng 6.500ha.
Theo quy hoạch này, tiềm năng phát triển diện tích mắc ca đến năm 2030 là khoảng 34.500ha. Tuy nhiên, căn cứ kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả cây mắc ca giai đoạn đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các địa phương định hướng quy mô sản xuất cho từng tỉnh cụ thể. Như vậy, có thể nói, diện tích trồng mắc ca theo quy hoạch này đã giảm rất nhiều so với những dự kiến trước đó (tỉnh Lâm Đồng đã từng có dự định trồng tới hơn 22.000ha mắc ca từ nay tới năm 2020).
Được biết, mắc ca là một cây trồng có giá trị kinh tế cao. Do đó, trong thời gian qua, nhiều bà con đã đổ xô đi trồng cây mắc ca bất chấp giống cây kém chất lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.