Các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung quốc đã chia sẻ tầm nhìn của họ về hình thức "Bán lẻ kiểu mới" tại Hội nghị doanh nhân toàn cầu mới diễn ra ở Hàng Châu. Khái niệm bán lẻ kiểu mới lần đầu tiên được tỷ phú Jack Ma, ông chủ của Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc đề cập vào cuối năm ngoái. Và đến đầu tháng 7 này, cửa hàng thí điểm của hình thức bán lẻ kiểu mới này chính thức ra mắt công chúng.
Bán lẻ kiểu mới được cho là đang đến gần hơn với người tiêu dùng Trung Quốc hơn bao giờ hết khi "Tao cafe" cửa hàng đầu tiên của hình thức này vừa được mở cửa tại Hàng Châu.
Bán lẻ kiểu mới là sự kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu, nhận diện khuôn mặt và giọng nói.
Bước vào "Tao cafe", khách hàng chỉ cần đi qua cửa soát vé tương tự như cửa soát vé tàu điện ngầm. Nhưng thay vì quét vé, khách hàng sẽ quét mã bằng điện thoại thông minh. Cửa hàng sẽ nhận diện khách hàng cũng như thông tin thẻ thanh toán.
Khách hàng sẽ mua sắm dễ dàng đồ uống và thức ăn nhanh tại đây bằng việc sử dụng ứng dụng taobao của Alibaba trên điện thoại thông minh. Việc thanh toán sau đó sẽ được tiến hành tự động khi khách hàng đi qua cửa ra ngoài.
Alibaba đã mua 18% cổ phần của Lianhua Supermarket, trở thành cổ đông lớn thứ hai của chuỗi siêu thị đang vận hành hơn 3.600 cửa hàng tại Trung Quốc. Đây được xem như một phần trong nỗ lực kết nối mua sắm trực tuyến và truyền thống.
Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung quốc như JD.com, Dangdang và Jumei cũng đang hướng đến hình thức kinh doanh này.
Mua sắm trực tuyến nở rộ tại Trung Quốc trong những năm gần đây nhưng so với tổng doanh số bán lẻ, nó vẫn chỉ là con số khiêm nhường với hơn 10%.
Điều này cho thấy, các tập đoàn thương mại điện tử hay nhà bán lẻ trực tuyến tại nước này vẫn còn mảnh đất rộng lớn và màu mỡ để vẫy vùng.
Với hình thức mua hàng trực tuyến, khách hàng chỉ có thể nhìn hàng hóa qua hình, hay xem các bình luận mà khách hàng mua hàng trước đó để thẩm định chất lượng hàng hóa, với một số người dường như chưa đủ thỏa mãn.
Do đó, các ông lớn thương mại điện tử thâu tóm các cửa hàng bán lẻ để nối dài thêm "cánh tay" để người tiêu dùng đến trực tiếp ngắm ngía, đánh giá hàng hóa. Ngoài ra, giao hàng nhanh chóng cũng là yếu tố sống còn của thương mại điện tử. Và các hệ thống siêu thị, cửa hàng truyền thống mà các ông lớn thương mại điện tử thâu tóm sẽ là một bộ phận, một kho hậu cần để giao hàng nhanh cho khách hàng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!