Tuyên Quang có thể thu hàng triệu USD từ bán tín chỉ carbon
Thương mại hóa tín chỉ carbon rừng, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán loại hàng hóa đặc biệt này tại Việt Nam, theo các chuyên gia là hợp với xu thế thế giới.
Các khu vực, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn, sẽ phải mua quyền lưu trú carbon từ rừng hay con gọi là tín chỉ carbon tại các nước phát thải thấp và có độ phủ rừng cao để hướng tới mục tiêu cắt giảm phát thải 32 tỷ tấn carbon trên toàn cầu đến năm 2100.
Ngoài ra, việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam sẽ góp phần thức đẩy phát triển nền kinh tế xanh, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng mỗi năm có tới 50 triệu tín chỉ carbon để bán, nhiều địa phương vùng miền rất có tiềm năng để kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này.
Việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam sẽ góp phần thức đẩy phát triển nền kinh tế xanh. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Gia đình anh Ma Văn Thông (xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) luôn tuân thủ các nguyên tắc trong việc trồng, chăm sóc, khai thác rừng trồng.
Khi biết rừng của Tuyên Quang có đủ điều kiện, tiềm năng để bán tín chỉ carbon anh Thông và bà con ở đây kỳ vọng sớm có thêm một khoản thu nhập để gắn bó với nghề rừng được lâu hơn.
"Khi biết tỉnh Tuyên Quang phát triển tín chỉ carbon rừng, người trồng rừng chúng tôi rất phấn khởi, qua đó nâng cao thu nhập và phát triển bền vững", anh Ma Văn Thông nói.
Tỉnh Tuyên Quang có tổng diện tích rừng gần 450 nghìn ha với độ che phủ rừng trên 65%, đứng top đầu cả nước. Từ đó, mỗi năm có khoảng 4 triệu tấn carbon được lưu giữ từ rừng, tương đương có khoảng 4 triệu tín chỉ carbon để bán. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với những điều kiện như vậy, tỉnh Tuyên Quang đang có rất nhiểu tiềm năng về thương mại carbon.
Hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Tuyên Quang khá thấp chỉ khoảng bình quân 138.000 đồng/ha/năm. Chính vì thế, nếu bán được tín chỉ carbon sẽ tăng nguồn thu cho người làm nghề rừng. Đây sẽ là nguồn kinh phí dùng để tri trả cho công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng.
Theo các chuyên gia, những tỉnh có nhiều rừng tự nhiên sẽ có tiềm năng lớn về thương mại hóa tín chỉ carbon. Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon. Vùng có trữ lượng lữu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc 21 triệu tấn carbon/năm.
Thiếu nhiều quy định làm chậm tiến trình mua bán tín chỉ carbon tại Việt Nam
Hiện Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang xây dựng nghị định Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó một nội dung quan trọng về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước.
Mặc dù tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên khi Việt Nam chưa xây dựng thị trường tín chỉ trong nước thì theo các chuyên gia, việc mua bán tín chỉ mới chỉ dừng lại thí điểm, chưa thể thực hiện đại trà được.
Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa… đều là những địa phương sẵn sàng thực hiện việc bán tín chỉ carbon. Họ đã có sẵn hàng hóa của mình, tuy nhiên để chuyển từ hàng hóa thành tiền không hề dễ. Cái khó nhất theo các địa phương là hiện Việt Nam chưa hình thành thị trường carbon ở trong nước nên không có cơ sở để thực hiện việc chuyển nhưỡng tín chỉ này với những người mua.
Cụ thể, hiện đang thiếu quy định về việc chuyển nhượng quyền sở hữu tín chỉ carbon, quy định tài chính từ nguồn thu này. Theo đúng như nghị định Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng phải tới năm 2027 Việt Nam mới hình thành một thị trường carbon.
Theo các đơn vị liên quan, trong 6 năm tới nếu muốn thực hiện thương mại hóa tín chỉ carbon chỉ dừng lại thí điểm.
Khi Việt Nam chưa xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước thì theo các chuyên gia, việc mua bán tín chỉ mới chỉ dừng lại thí điểm. Ảnh minh họa: Dân trí.
Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Một trong những khó khăn là hiện nay quy định pháp lý về việc thương mại tín chỉ carbon rừng chưa thật đầy đủ và cụ thể. Chúng tôi đã tổng hợp các vấn đề đưa vào thành đề xuất đối với Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm".
"Mong nghị định sớm được ban hành để có những cơ sở pháp lý rất quan trọng đó là quy định về phát thải, quyền phát thải, quyền bù trừ, quy định về thị trường carbon được giao dịch", PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Tổng thư ký Hội chủ rừng Việt Nam cho hay.
Ngoài ra, theo các địa phương, họ mong muốn Chính phủ hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải carbon, thực hiện định giá carbon để đủ điều khiện tham gia thị trường carbon thế giới.
Trên cả nước, hiện có duy nhất tỉnh Quảng Nam đang xây dựng đề án bán tín chỉ carbon cho một công ty quốc tế, nếu đề án này được thông qua tỉnh này sẽ thu về mỗi năm khoảng từ 5 - 7 triệu USD.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý 4 tới khoản tiền 51 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh miền Trung vừa qua sẽ được Ngân hàng thế giới giải ngân. Đây sẽ là những tiền đề cho việc thí điểm thực hiện thương mại hóa carbon tại Việt Nam - nơi được nhiều tổ chức thế giới đánh giá có nhiều tiềm năng trong những năm tới đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!