Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon, nếu tính giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Theo các chuyên gia, đây được coi là một nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác tốt thì những người trồng rừng và các địa phương có nhiều rừng ở nước ta, có thể nâng cao thu nhập, đồng thời là tiền đề để trữ lượng rừng Việt Nam tăng từ 990 triệu m3 lên 1.250 triệu m3 trong 10 năm tới.
Tín chỉ carbon được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Địa phương cần quyền sở hữu tín chỉ carbon để tham gia thị trường tín chỉ carbon rừng
Tỉnh Quảng Nam có 628.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được xấp xỉ 1 triệu tấn carbon, có nghĩa là mỗi năm có thể bán được 1 triệu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nhìn thấy được tiềm năng này, mới đây, Quảng Nam đã mạnh dạn trở thành địa phương đầu tiên xin Thủ tướng phê duyệt cơ chế, để tham gia thị trường trao đổi carbon tự nguyện.
Xuất bán 6 triệu tín chỉ carbon, thu về khoảng 30 triệu USD vào năm 2025 đây là những lợi ích kinh tế cụ thể mà Quảng Nam sẽ thu được khi bán thành công tín chỉ carbon từ rừng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa con số trên, điều Quảng Nam cần nhất là họ có quyền sở hữu tín chỉ carbon từ 628 ngàn ha rừng tự nhiên của họ. Đặc biệt, họ mong muốn được quyền giao dịch tín chỉ này với các đơn vị nước ngoài
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Quảng Nam mạnh dạn đề xuất với chính phủ và mong Chính phủ cho chủ trương đề làm dự án Red+ và để quảng nam bán chứng chỉ carbon này ra thị trường quốc tế".
Thời gian thực hiện dự án và tính toán cấp tín chỉ là 30 năm, từ 2018 đến 2048. Cũng theo đại diện tỉnh này, nguồn thu từ việc kinh doanh tín chỉ carbon sẽ được sử dụng cho các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn, cải thiện sinh kế cho người dân.
Rừng không chỉ là gỗ, mây, tre, nấm... theo các chuyên gia rừng còn có thêm tài sản là carbon, mà từ trước đến nay chưa đề cập đến. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm: "Có được tín chỉ này, chúng ta sẽ có một nguồn kinh phí đáng kể, phục vụ trở lại cho việc bảo vệ và phát triển rừng. Có thể nói, đây là việc tuần hoàn của bảo vệ và phát triển rừng".
Ông Daniel Lopez, Giám đốc Dự án Trường Sơn Xanh – USAID, chia sẻ: "Ở tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đang xúc tiến sự chuyển đổi nhằm đưa trữ lượng carbon của địa phương này tham gia thị trường carbon tự nguyện, bán cho các đối tác quốc tế. Rừng Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng để đại diện cho Việt Nam bán tín chỉ carbon, qua đó đem lại ích lợi cho cộng đồng".
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon có thể đem trao đổi, tuy nhiên cũng giống như Quảng Nam, họ cần một số cơ chế cụ thể để hình thành thị trường trao đổi tín chỉ carbon ở Việt Nam.
Châu Âu - Thị trường carbon lớn nhất trên thế giới
Một trong những nơi trên thế giới đã đi trước trong áp dụng các chuẩn mực mua bán tín chỉ carbon, đó là EU. Theo phóng viên Lê Hồng Quang, thường trú ĐTHVN tại châu Âu, châu Âu là thị trường carbon lớn nhất trên thế giới, các doanh nghiệp châu Âu bị áp đặt trần phát thải và nếu phát thải vượt trần thì phải bỏ tiền ra mua hạn ngạch phát thải. Đòn bẩy kinh tế này đã thúc đẩy các doanh nghiệp giảm phát thải,và kết quả là so với cách đây 8 năm, phát thải khí nhà kính ở châu Âu đã giảm 26%, vượt xa mục tiêu 21% đưa ra hồi năm 2012. Lý do lượng phát thải ở châu Âu sụt giảm, là sự bùng nổ chưa từng có về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, và một phần cũng do kinh tế giảm tốc, đặc biệt là từ khi có đại dịch. Tình trạng đó làm cho châu Âu dư thừa hạn ngạch carbon, kéo giá bán đi xuống.
Thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giảm ô nhiễm khí quyển tại các nước châu Âu. Hình minh họa.
Từ đầu năm nay, Uỷ ban châu Âu hạ mức trần được phép phát thải xuống thấp hơn nữa, như vậy làm cho hạn ngạch dư thừa không còn dồi dào như trước, kéo giá mua bán hạn ngạch tăng lên. Một biện pháp khác đang được suy tính là bổ sung thêm một số lĩnh vực gây ô nhiễm vào thị trường carbon, ví dụ như ngành vận tải biển.
Theo ước tính, các biện pháp ngặt nghèo hơn sẽ làm cho giá một tấn carbon tăng lên mức 40 Euro vào năm 2023, một mức đủ cao để các ngành phát thải nhiều phải cân nhắc xem nên tiếp tục bỏ tiền mua hạn ngạch hay nên đầu tư một lần để chuyển đổi sang công nghệ phát thải ít hơn. Theo cách đó, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giảm ô nhiễm khí quyển tại các nước châu Âu.
Một tín hiệu tích cực nữa đối với thị trường mua bán carbon, đó là Trung Quốc - quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, sẽ chính thức cho ra mắt thị trường mua bán tín chỉ carbon trong khuôn khổ nội địa, giữa các địa phương với nhau, bắt đầu ngay từ tháng tới. Quốc gia này cam kết rằng sẽ đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã đưa ra các cam kết trong giảm phát thải trong kế hoạch chiến lược của mình, bắt đầu từ năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!