Bang California quyết định đóng cửa trở lại trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng. (Ảnh: Reuters)
Hôm 13/7, Thống đốc bang California - ông Garvin Newsom, đã yêu cầu áp dụng trở lại ngay lập tức trên toàn bang các biện pháp hạn chế vốn vừa mới được dỡ bỏ cách đây không lâu.
"Các lĩnh vực chúng tôi yêu cầu đóng cửa một lần nữa trên toàn tiểu bang bao gồm các nhà hàng, xưởng rượu vang, rạp chiếu phim, cơ sở giải trí, vườn thú, bảo tàng, quán bar. Với các quận nằm trong danh sách theo dõi, phạm vi đóng cửa còn bao gồm cả các phòng tập thể thao, nhà thờ, văn phòng thuộc các lĩnh vực không thiết yếu, các dịch vụ chăm sóc cá nhân như tiệm cắt tóc, làm đẹp và trung tâm thương mại", ông Garvin Newsom nói.
Trong khi bày tỏ sự đồng tình với quyết định của chính quyền bang California, nhiều chủ cơ sở kinh doanh vẫn tỏ ra lo ngại về những tổn thất tài chính việc đóng cửa có thể đem lại.
"Nếu đóng cửa, chúng tôi sẽ thiệt hại rất nhiều, bởi về mặt tài chính, chủ nhà vẫn đang phải trả tiền vay thế chấp. Nếu chúng tôi không kiếm được tiền để trả tiền thuê nhà, chủ nhà cũng vậy, tất cả đều gặp vấn đề. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có thu nhập và cuộc sống gia đình sẽ gặp khó khăn", ông Billy Tran - chủ cơ sở làm đẹp tại bang California, Mỹ nói.
Cảnh vắng vẻ tại San Francisco, California, Mỹ trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN.
Mặc dù vẫn có thể duy trì hoạt động bán đồ ăn cho khách mang về, các nhà hàng tại California cũng tỏ ra không mấy lạc quan.
Ông Nizar Jawhari - Quản lý nhà hàng Sheesh, bang California, Mỹ cho biết: "Tình hình đã rất tệ trong 3 tháng qua, chúng tôi đã phải đóng cửa để tuân thủ quy định của CDC và hoạt động kinh doanh giảm gần 80%. Chúng tôi chỉ có thể phục vụ các đơn hàng mang về trong khi lại được thiết kế để kinh doanh dịch vụ ăn tại chỗ, tổn thất rất nhiều".
Kể từ khi trở thành tiểu bang đầu tiên tại Mỹ áp đặt các biện pháp đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh hồi tháng 3, California đồng thời cũng trở thành bang dẫn đầu cả nước về số lượng việc làm bị mất. Chỉ trong hai tháng 3 và 4, 2,6 triệu lao động đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Tình hình này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, khi các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa một lần nữa.
Reuters nhận định, đây cũng sẽ là thách thức lớn đối với sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, bởi California trong nhiều năm qua vẫn đang là động lực hàng đầu về tăng trưởng việc làm tại nước này, chiếm 1/7 tổng số việc làm mới được tạo ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!