Nhận định "công nghệ và kinh tế số là chìa khóa giúp các quốc gia vượt qua đại dịch", các bài viết đều cho rằng Việt Nam đang có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số, bởi có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng số cùng những chính sách cụ thể, định hướng lâu dài.
Dự báo của Google, Temasek và Bain & Company, đến năm 2025, toàn bộ nền kinh tế Internet tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD.
Ngay những ngày đầu năm Nhâm Dần, bài viết trên trang tin tức của quỹ đầu tư Eastsping (Singapore) nhận định: "Nền kinh tế số đang phát triển nhanh của Việt Nam sẽ là trụ cột giúp đất nước này trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045". Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD vào năm 2025.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Một trong những yếu tố khiến chúng tôi tin tưởng rằng GDP của Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh trở lại đó là dựa vào sản xuất và xuất khẩu các ngành kinh tế kỹ thuật số như điện tử, linh kiện điện thoại, dệt may hay các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao", bà Stephanie Betant, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết.
Trong khi đó, báo điện tử Open Gov Asia cũng đưa tin: "Việt Nam sẽ bước đầu phát triển công nghệ 6G ngay trong năm 2022". Theo đó, vào đầu tháng 1/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là thời điểm để Việt Nam đi đầu xu hướng công nghệ và củng cố nền kinh tế số vào các lĩnh vực như: điện toán đám mây, công nghệ phần mềm, hay kỹ thuật số.
Trong bài viết "5G, nhân tố quyết định sự bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam", báo Le Courrier du Vietnam dẫn kết quả nghiên cứu từ Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7,34% vào năm 2025. Nhờ có 5G, các đơn vị tại Việt Nam có thể hiện thực hóa các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, hay robot… cho thành phố thông minh trong tương lai.
"Chúng ta thấy là Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu cấp phép chính thức thương mại cho 5G trong năm 2022, với mục tiêu trong năm nay 5G sẽ phủ được các địa bàn quan trọng, khu công nghiệp, tỉnh thành lớn", ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam và Lào, Campuchia, cho hay.
"Để đáp ứng được nền kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng được một đội ngũ nhân sự có trình độ cao hơn trong tương lai. Điều quan trọng là phải nâng cao được khả năng làm việc ứng dụng công nghệ cao của nguồn nhân lực Việt Nam. Ngoài ra là việc áp dụng khoa học công nghệ vào hệ thống cơ quan Nhà nước, từ đó sẽ giúp hình thành một hệ thống công nghệ cao trong các cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước", bà Lucy Cameron, tư vấn nghiên cứu cao cấp Tổ chức nghiên cứu khoa học & công nghiệp CSIRO, đánh giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!