Đến lúc này đã là hơn hai tháng sau trận mưa đá, lốc xoáy xảy ra trên vùng nông nghiệp Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, thế nhưng, việc khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn hết sức chậm chạp. Nguyên nhân, không gì khác là nông dân không còn đủ vốn để tái đầu tư bởi mức thiệt hại lên đến tiền tỷ.
Chính những lúc như thế này, điều mà nhiều nông dân đặt ra là giá như bảo hiềm nông nghiệp được thực hiện thì có lẽ, khó khăn lúc này sẽ được giảm bớt. Ở những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo hiểm đang là nhu cầu khá bức thiết.
Xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nơi hứng chịu trận mưa đá, lốc xoáy ngày 23/4, chỉ tính riêng số nhà kính của nông dân bị hư hại đã lên đến 10 tỷ đồng. Lẽ đương nhiên, nếu những nhà kính được mua bảo hiểm, bây giờ, khó khăn về vốn đầu tư trong nông dân sẽ được chia sẻ. Nhưng, bảo hiểm nông nghiệp, đến lúc này, đối với nông dân vẫn chỉ là điều được nghe đến, được nhắc đến, chứ chưa là thực tế.
Đầu tư một ha nhà kính, số tiền ít nhất cũng đã 2 tỷ đồng. Giá trị sản lượng 1 ha rau, 1 ha hoa lên đến hàng trăm triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng, theo nhiều nông dân là cần được bảo hiểm.
Không khó để nhận ra sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp nhưng lại không dễ để triển khai đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Những năm qua, phí bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ, chỉ khoảng 0,01%/năm.
Vùng nông nghiệp Đà Lạt, nơi có nhiều nông dân ủng hộ bảo hiểm nông nghiệp, nhưng chính những nông dân và các nhà quản lý cũng băn khoăn khi không biết phải bắt đầu từ đâu để có được bảo hiểm nông nghiệp. Các doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà với lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, khi độ rủi ro cao, nền tảng pháp lý và thể chế bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa hoàn thiện.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!