Nhật Bản có chỉ số bất bình đẳng nam nữ khá cao, điều này được thể hiện qua các chỉ số được thống kê về vị trí công việc cũng mức thu nhập thực tế của nữ giới so với nam giới.
Trong báo cáo về chỉ số khoảng cách giới tính năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số về khoảng cách thu nhập theo giới tính của Nhật Bản thứ 116/146 quốc gia - mức thấp nhất trong số các nước phát triển. Đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ được trọng dụng nắm giữ các vị trí quản lý tại Nhật thuộc nhóm các nước thấp nhất thế giới với chỉ khoảng 10%, trong khi Mỹ là 40%.
Tại các công ty càng lớn khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ ngày càng nới rộng khi nhân viên nam làm việc toàn thời gian và đảm nhận vị trí quản lý nhiều hơn. Cụ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ có khoảng trên 100 - 300 người, lương nhân viên nữ chỉ bằng 74% lương nhân viên nam và tại công ty lớn có trên 1.000 người tỷ lệ còn thấp hơn, lương nhân viên nữ chỉ bằng 67%.
Sự bất bình đẳng thu nhập giữa nữ giới và nam giới tại Nhật Bản chủ yếu được cho là do thiếu sự tiến bộ trong việc cải thiện môi trường làm việc cho phụ nữ. Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích nhiều giải pháp để xóa bỏ sự bất bình đẳng này.
Một sắc lệnh được đưa ra vào tháng 7/2022 về thúc đẩy sự tham gia và tiến bộ của phụ nữ tại nơi làm việc đã được thông qua. Theo đó, yêu cầu từ năm tài khóa 2023, các công ty có trên 300 nhân viên phải công khai sự khác biệt thu nhập giữa nhân viên nữ và nhân viên nam. Hình dung rõ ràng về sự khác biệt tiền lương sẽ giúp các công ty nhận thức và hướng tới sự công bằng giữa nam và nữ.
Chính phủ Nhật Bản cũng công bố ngân sách 7,7 tỷ USD trong 5 năm để đầu tư vào con người, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng thay đổi văn hóa làm việc truyền thống. Điều này được cho là sẽ tác động tích cực tạo ra môi trường tốt hơn cho lao động nữ, cải thiện tình trạng bất bình đẳng nam nữ tại các doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!