Trong khi ở các nước phát triển, thị trường logistics chỉ chiếm trung bình 7- 10% GDP thì ở Việt Nam, tỷ lệ này lên tới 20 - 22%. Hơn một nửa trong số này là chi phí cho khâu vận chuyển. Đơn cử như để đưa một quả xoài sang Nhật Bản, Thái Lan chỉ mất chi phí bằng 2/3 so với Việt Nam. Logistics không đồng bộ đã khiến giá thành nông sản đội lên rất cao và giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Thiếu hạ tầng cho logistics nông sản
Cũng do logistics không đồng bộ khiến tỷ lệ tổn thất nông sản trung bình lên tới 30%. Thậm chí với mặt hàng rau quả, tổn thất lên tới 45%. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn luôn phải đối mặt với nỗi lo phải bù hợp đồng vì chuyển hàng chậm trễ.
Ngay cả với lúa gạo - mặt hàng mà từ trước đến nay được xem là ưu tiên số một trong xây dựng hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long, những bất cập về logistic cũng đang là cản trở lớn. Nếu không sớm được cải thiện thì nông sản Việt sẽ rất khó cạnh tranh với thế giới.
1 ha lúa chỉ cần cắt trong một buổi chiều là xong. Nhưng để chở được một ghe lúa về nhà máy xay sát phải mất tới 2 ngày. Ngay cả công đoạn đóng gạo vào container cũng phải dựa vào các cảng trung chuyển. Trong khi đó, việc đón tàu trọng tải lớn vào hệ thống cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long lại là điều không thể thực hiện do cửa luồng quá cạn. Cũng do công suất cảng bị hạn chế, 80% hàng hóa xuất khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển thông qua cảng nước sâu ở TP.HCM hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cải thiện logistics để tăng sức cạnh tranh
Tại Hội nghị ngành hàng rau củ qut và logistic Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhà đầu tư quốc tế khẳng định tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất lớn và họ sẵn sàng hợp tác để phát triển. Tuy nhiên, muốn nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, trước hết và trên hết cần phải quy hoạch một mạng lưới tích hợp giữa logistic, giao thông vận tải và nông nghiệp.
Năm ngoái, Việt Nam vẫn đứng thứ 64 trên thế giới về mức độ phát triển logistics. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần phải cải thiện nhanh chóng dịch vụ logistic trong chuỗi giá trị nông sản, từ đó, mới mong có một ngành nông sản cạnh tranh với thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!