Mặc dù chưa có báo cáo của tất cả các ngân hàng, thế nhưng điểm chung nhận thấy từ báo cáo của những cái tên đã công bố kết quả kinh doanh là các chỉ số trọng yếu như lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu đều tốt hơn nhiều so với năm 2019.
Trong bối cảnh COVID-19, các ngân hàng đồng loạt cắt giảm lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như Vietcombank hỗ trợ khoảng 3.700 tỷ đồng, VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi.
Các ngân hàng cũng cho biết tín dụng năm 2020 ghi nhận mức tăng 12,1%, mặc dù thấp hơn mức 13,5% năm 2019 nhưng vẫn là mức khả quan trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn ngân hàng hạn chế.
Các chuyên gia dự báo, năm 2021 là một năm khá khó khăn với ngành ngân hàng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Các tổ chức tín dụng đã linh động hóa điều kiện cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, bên cạnh đó đưa ra các gói tín dụng tương đối hấp dẫn nhằm kích cầu tín dụng và tiếp tục cho vay mạnh hơn vào các lĩnh vực ưu tiên", chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, một yếu tố chiếm trọng yếu khiến lợi nhuận ngân hàng ghi nhận ở mức cao là giữ nguyên nhóm nợ. Hiện nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank, VietinBank đều dưới 1%.
Cùng với đó, việc mở rộng thêm dịch vụ như: tư vấn bán lẻ, các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không tiền mặt cũng khiến doanh thu của ngân hàng cải thiện. Tuy nhiên các chuyên gia cũng dự báo, năm 2021 là một năm khá khó khăn với ngành ngân hàng và lợi nhuận cũng có nhiều ảnh hưởng khi họ phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Thông tư 01.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!