Các yếu tố tác động bất động sản 2019
6,6 tỷ USD đổ vào bất động sản trong năm 2018, đứng thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo CBRE, bất động sản Việt Nam được coi là "ngôi sao mới nổi của châu Á", với hàng loạt các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Năm 2019, ngân hàng tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản từ mức 150% lên 200%. Dòng vốn vào bất động sản sẽ siết chặt hơn. Một loạt thành phố vốn là tâm điểm của thị trường như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ kiểm soát chặt việc cấp phép cho các dự án mới, đặc biệt là nhà cao tầng.
Cơ hội nào cho thị trường bất động sản 2019?
Có thể thấy, tại một số thành phố lớn, do quỹ đất hạn hẹp và áp lực về hạ tầng, chính quyền địa phương sẽ phải quản lý chặt việc cấp phép dự án mới. Trước thực tế này, từ năm 2018, thị trường đã chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp bất động sản từ lớn tới nhỏ nườm nượp mở rộng đầu tư về các tỉnh thành khác.
Xu hướng này đã phá vỡ thế độc tôn về đầu tư và phát triển dự án bất động sản của Hà Nội, TP.HCM. Ở miền Bắc có Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên; miền Nam có Bình Thuận, Bình Dương, Long An, Kiên Giang.
Theo nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tỷ lệ giao dịch thành công tại các tỉnh trong năm qua lên tới 60%. Tại một số tỉnh, giá đất biến động tăng lên tới 10% và dự báo vẫn có khả năng sinh lời trong năm 2019. Đây chính là lực hút các các doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư đổ về đầu tư tại các tỉnh có lợi thế về hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, tại một số địa phương tiếp tục xuất hiện tình trạng tự san lấp đất nông nghiệp, đất rừng nhằm lập các dự án phân lô bán nền trái quy định. Các nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác và không nên tham gia góp vốn vào những dự án này. Ngoài ra, các tỉnh cũng cần xem xét phân bổ hợp lý theo giai đoạn việc phê duyệt phát triển mới các dự án bất động sản, tránh phê duyệt ồ ạt, tạo dư thừa lớn nguồn cung trong tương lai.
Phân khúc bất động sản chiếm ưu thế trong năm 2019
Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, 80% người dân đô thị có nhu cầu về căn hộ giá bình dân, dưới 25 triệu đồng/m2. Thế nhưng, thống kê nguồn cung căn hộ tại Hà Nội năm 2018, căn hộ giá bình dân chỉ chiếm chưa tới 40%. Ở TP.HCM, con số này còn thấp hơn, chưa tới 20%.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, nhà giá bình dân sẽ được quan tâm phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản lại không mấy mặn mà. Trước thực tế thị trường hiện nay, các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, căn hộ hạng trung bình và nhà đất, đất nền mới là phân khúc được các nhà đầu tư bất động sản tập trung phát triển trong năm 2019 và tiếp tục dẫn dắt thị trường. Còn phân khúc nhà giá rẻ vẫn phải chờ thêm các cú hích từ chính sách. Bởi khi dòng tín dụng vào thị trường bất động sản tiếp tục bị thắt chặt năm 2019, các nhà đầu tư phải tái cơ cấu nguồn cung, đi vào các phân khúc dễ bán được hàng để sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Ngoài ra, các loại hình bất động sản mới áp dụng công nghệ 4.0 như chia sẻ kỳ nghỉ timeshare, kinh doanh dịch vụ phòng lưu trú Airbnb, văn phòng chia sẻ coworking, căn hộ văn phòng officetel sẽ tiếp tục bức phá trong năm nay, cạnh tranh trực tiếp với mô hình bất động sản truyền thồng.
Với sự xuất hiện của các loại hình bất động sản mới, và sự hỗ trợ của công nghệ dễ dàng kết nối giữa người có nhu cầu và người cho thuê, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn hình thức mua bất động sản đầu tư để cho thuê dài hạn như một của để dành thay vì mua rẻ bán đắt kiếm lời như nhiều năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!