Bất động sản qua 1 thập kỷ: Nơi thấp nhất tăng gấp 3, chỗ “leo” chóng mặt

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 10/12/2020 13:48 GMT+7

Tính đến hiện tại, giá nhà đất ở nơi tăng thấp nhất trung bình cũng gấp 3 lần so với năm 2011.

VTV.vn - Theo chuyên gia, nếu quan sát đà tăng giá của thị trường bất động sản trong 1 thập niên qua, đồ thị giá đất chủ yếu theo xu hướng tăng thẳng đứng hoặc đi ngang.

Giá bất động sản tăng "chóng mặt" ra sao?

Trong 10 năm qua, yếu tố làm nhiều chuyên gia và cả người mua nhà quan tâm nhất là tốc độ tăng giá bất động sản. Từ mức trung bình giờ giá nhà đã vượt xa tầm tay của đại đa số người lao động tại Việt Nam, nhất là giá nhà ở thành phố lớn.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, nếu quan sát đà tăng giá của thị trường trong 1 thập niên qua, đồ thị giá đất chủ yếu theo xu hướng tăng thẳng đứng hoặc đi ngang, không có chuyện giảm.

Theo ông Quốc Anh, trong một thập niên, thị trường thường chia thành nhiều đợt biến động. Giá nhà đất đi ngang vào giai đoạn 2008 - 2010. Bước sang 2011 - 2013, giá bất động sản xuống dốc không phanh, nhiều nhất là gần 50%, đến thời điểm 2014 - 2019 thì quay lại xu hướng tăng mạnh từ 50 - 300%.

"Tính đến hiện tại, giá nhà đất ở nơi tăng thấp nhất trung bình cũng gấp 3 lần so với năm 2011. Trước đó, một nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, giá nhà tại trung tâm TP.HCM tăng 21 lần chỉ sau 16 năm", ông Quốc Anh cho biết.

Trong khi đó, giá nhà quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm 2002 chỉ có giá bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2 thì đến năm 2020, giá bình quân đã lên tới 360 triệu đồng/m2. Như vậy, giá nhà đã tăng tới 33 lần sau 18 năm.

"Có thể thấy rõ xu hướng này qua việc giá bất động sản khu vực quanh TP.HCM và Hà Nội luôn có mức tăng trên 10% trong suốt giai đoạn 2018 - 2020", ông Quốc Anh nhận định.

Bất động sản qua 1 thập kỷ: Nơi thấp nhất tăng gấp 3, chỗ “leo” chóng mặt - Ảnh 1.

Hiện nay căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2). (Ảnh minh họa)

Dữ liệu của đơn vị này cũng cho thấy, so với mức thu nhập bình quân của người dân, giá nhà tại Hà Nội và TP.HCM đang quá cao. Với mức giá 2.200 - 2.400 USD/m2, người lao động TP.HCM phải mất khoảng 30 năm và Hà Nội là 25 - 28 năm tích lũy mới mua được nhà.

Giá căn hộ vùng ven cũng "đội" lên 60 triệu đồng/m2

Thị trường ghi nhận hiện nay giá một số dự án nhà ở vùng ven Hà Nội cũng lên mức 40 - 60 triệu đồng/m2. Nhiều người lo ngại căn hộ với giá hợp lý tầm khoảng hơn 1 tỷ đồng sẽ "biến mất" ở Hà Nội giống như ở tại thị trường TP.HCM.

Trao đổi phóng viên, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, với mức giá khoảng 1,4 - 1,6 tỷ đồng/2 phòng ngủ vẫn có thể có tại thị trường Hà Nội, tuy nhiên vị trí các dự án này nằm tại các khu vực ngoài vành đai 3.

"Dòng sản phẩm này còn có thể có từ nguồn mua lại và là căn hộ đã sử dụng, các dự án có mức giá như này thì thường vị trí sẽ là xa so với trung tâm", bà Hằng cho biết.

Trong khi đó, theo số liệu của HoREA, hiện nay căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25 - 30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM trong hai năm qua.

Với cặp vợ chồng (có 1 - 2 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng (60 - 70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 10/2020, vấn đề giá nhà đang quá cao và giải pháp nào để đưa giá nhà về giá trị thật của thị trường được đặt ra với Bộ Xây dựng.

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết: "Giá cả trong lĩnh vực bất động sản là do thị trường quyết định". Theo ông Hùng, giải pháp quan trọng là cần tăng lượng cung nhà giá xã hội giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động.

"Hiện giá nhà ở xã hội có khung giá từ 15 - 20 triệu đồng/m2, cần đẩy nhanh các dự án tăng cung số lượng lên", ông Hùng nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ đang đề xuất có thêm loại nhà ở thương mại giá rẻ giá 20 - 28 triệu đồng/m2, cho phép xây nhà có diện tích dưới 45m2 tạo nguồn cung cho loại nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được.

Với nhà ở thương mại thông thường, giá 30 - 45 triệu đồng/m2, ông Hùng cho biết, phân khúc này hoàn toàn do thị trường quyết định, tuy nhiên, vẫn có giải pháp là tăng cung. Thứ hai là tăng cường minh bạch thông tin, nhà đầu tư có thể giao dịch trực tiếp với người mua có nhu cầu, tránh qua các đối tượng đầu cơ, môi giới, trung gian bất động sản.

Giá bất động sản công nghiệp có thể tăng lên khi các chuyến bay quốc tế được nối lại Giá bất động sản công nghiệp có thể tăng lên khi các chuyến bay quốc tế được nối lại

VTV.vn - Khi các chuyến bay quốc tế được nối lại, nguồn cung bất động sản công nghiệp ở miền Bắc sẽ tăng trong 5 năm tới để đón sự dịch chuyển của đầu tư nước ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước